Dân Việt

Bạo lực tình dục ở nông thôn Ấn Độ

04/11/2012 06:17 GMT+7
(Dân Việt) - Dabra là một ngôi làng điển hình vùng nông thôn Ấn Độ, thuộc bang Haryana. Nó có những con đường hẹp với mương rãnh và những căn nhà nhỏ xây bằng gạch và đất.

Trẻ con chơi đùa trong bụi bặm, trong khi đàn ông ngồi thành vòng tròn hút thuốc lá. Không có mấy người lạ đến thăm cộng đồng nghèo sống bằng nghề nông này. Nhưng phía ngoài một trong những căn nhà có 2 nhân viên cảnh sát đứng gác. Trong nhà, cô gái 16 tuổi ngồi trong một phòng vây quanh toàn phụ nữ. Cô là lý do khiến cảnh sát đứng gác.

img
Phụ nữ nông thôn Ấn Độ thiếu sự bảo vệ từ cộng đồng

Cách nay 6 tuần, cô đang đi bộ ngoài đường thì bị hàng chục gã đàn ông bắt cóc. Cô kể, đôi mắt nhìn ra phía trước, giọng đều đều không biểu lộ cảm xúc: “Họ lôi cháu vào xe hơi và bịt mắt cháu. Họ chở cháu đến bên bờ một con sông. Tại đây, 7 người trong bọn thay phiên hãm hiếp cháu. Những kẻ khác đứng nhìn”.

Bọn hiếp dâm dùng điện thoại di động của chúng quay phim và lan truyền hình ảnh trong xã hội vốn cực kỳ bảo thủ này. Một người họ hàng của cô gái kể tiếp: “Cha cô gái cảm thấy nhục nhã và xấu hổ đến nỗi đã uống thuốc độc tự tử. Chúng tôi vội đưa ông vô bệnh viện nhưng đã quá trễ”. 9 trong số thủ phạm đã bị bắt giữ. Nhưng những tên khác vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.

Năm ngoái, 733 vụ hiếp dâm được báo cáo ở Haryana. Nhiều vụ như thế không được báo cáo. Bạo lực tình dục đối với phụ nữ diễn ra khắp Ấn Độ. Nhưng điều ở Haryana khiến người ta chú ý là thái độ của xã hội đối với phụ nữ.

Suresh Koth, một trong những người lớn tuổi nhất làng giải thích: “Để tôi nói với mọi người về nguyên nhân chính gây ra những vụ cưỡng hiếp này. Hãy nhìn xem điều gì đăng trên báo, chiếu trên truyền hình? Phụ nữ ăn mặc hở hang. Điếu này khiến giới trẻ hư hỏng. Đây là Ấn Độ, không phải châu Âu”. Những nhận xét như trên đây không dễ bác bỏ. Bởi nó do khap đưa ra, mà khap là hội đồng của cánh đàn ông trong làng có quyền lực rất lớn về mặt cộng đồng.

“Khap luôn hoạt động như những tòa án trò hề, tạo ra luật cho xã hội, quyết định phụ nữ phải làm gì, mọi người phải cư xử ra sao. Và nếu ai không theo họ sẽ bị hăm dọa. Khap là những tổ chức không ai bầu ra nhưng chính quyền không dám đụng đến. Khap có thể giúp những người làm chính trị dễ dàng thu phiếu trong các cuộc bầu cử”, một nhà hoạt động nhân quyền ở Ấn Độ cho biết.

Nhiều người tin rằng khap không có chỗ đứng trong một nước Ấn Độ hiện đại, dân chủ và tự do. Nhưng gạt bỏ những hội đồng toàn đàn ông lớn tuổi này chẳng dễ chút nào.

Trở lại Dabra, cô gái bị cưỡng hiếp kể: “Các bạn hàng xóm nhà cháu không đi học nữa. Cháu cũng sợ lắm”.

Theo Thế giới & Hội nhập