Dân Việt

Cần có luật riêng về quy hoạch đất đai

02/11/2012 07:35 GMT+7
(Dân Việt) - “Muốn có nền nông nghiệp (NN) phát triển cần quy hoạch (QH) các vùng sản xuất chủ lực. Nếu có QH này, nạn đầu cơ đất NN, tiêu cực trong quản lý đất NN sẽ được hạn chế”.

Trao đổi với NTNN, tiến sĩ Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho ý kiến.

Theo TS Bình, lời giải của bài toán này chỉ có khi được đưa vào Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc xây dựng một luật riêng. Muốn làm được như vậy, trên lãnh thổ nước ta nên xác định những vùng NN vĩnh viễn, bất khả xâm phạm dùng cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi…

img
Không có quy hoạch “cứng”, đất sản xuất nông nghiệp đang chịu áp lực lớn từ phát triển đô thị, công nghiệp hóa.

Nước ta là một nước NN lâu đời vì sao đến thời điểm này, ông mới đặt ra vấn đề QH đất NN, một vấn đề mang tính khởi đầu như vậy?

- QH đất NN hay QH sản xuất phải gắn với thị trường. Nhưng QH sản xuất NN của chúng ta hiện nay chưa thực sự gắn với phân tích thị trường một cách đầy đủ. Các bản QH sản xuất hiện nay chưa thể trả lời được những câu hỏi nông sản làm ra bán ở đâu, bán cho ai, bán như thế nào? Việc phân tích, định hướng thị trường chưa được chú trọng, không được coi là phần quan trọng của QH. Cái chúng ta làm tốt hiện nay là QH sản xuất dựa theo điều kiện tự nhiên. Nhưng điều kiện tự nhiên chưa đủ để hình thành nên QH đất sản xuất NN.

Theo TS Vũ Trọng Bình, ý nghĩa của việc QH đất NN không chỉ nằm ở việc phát triển sản xuất mà còn tác động lớn đến công tác quản lý đất đai. Chẳng hạn, khi có QH vùng “cứng” thì vùng đất đó không được phép chuyển đổi từ đất NN sang đất đô thị, công nghiệp. Từ đó, hiện tượng mua đất NN để đầu cơ sẽ giảm, giá đất trở lại đúng giá trị thực. Nông dân, doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm đầu tư sản xuất NN.

Vì sao vấn đề mang tính kỹ thuật như QH đất NN lại phải đưa vào luật, thưa ông?

- Ý nghĩa của việc QH đất NN không chỉ nằm ở việc phát triển sản xuất, mà còn tác động lớn đến công tác quản lý đất đai. Chẳng hạn, khi có QH vùng “cứng” thì vùng đất đó không được phép chuyển đổi sang đất đô thị, công nghiệp. Từ đó, hiện tượng mua đất NN để đầu cơ sẽ giảm, giá đất NN trở lại đúng giá trị thực.

Nông dân, doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm đầu tư sản xuất. Lãnh đạo tỉnh nào mà cấp phép sai thì các doanh nghiệp, nông dân có quyền kiện ra tòa. Vì vậy, không chỉ quy định trong Luật Đất đai mà thậm chí phải có luật QH đất đai riêng, làm luật nền tảng cơ bản để điều chỉnh tất cả các hoạt động phát triển kinh tế, cấp phép đầu tư, đầu tư khoa học công nghệ, mua bán đất trên lãnh thổ.

Theo ông, QH sử dụng đất sẽ được xây dựng thế nào?

- Không gian hành chính và không gian kinh tế là khác nhau. Chúng ta cũng đã để ý đến không gian kinh tế theo vùng nhưng chưa thực sự rõ nét. Hiện nay, QH từng tỉnh quyết định nên QH kinh tế theo vùng bị xé nát. Để xây dựng QH, Chính phủ phải chủ trì, có đại diện bộ, ngành và địa phương. Và dứt khoát, QH kinh tế, QH sản xuất không thể nằm ở cấp tỉnh.

Ưu điểm khi có QH đất là bất cứ ai, kể cả là Thủ tướng, chủ tịch tỉnh cũng phải nhất nhất theo QH đó, không còn tình trạng ai cũng có thể sửa QH. Suy cho cùng, ổn định thị trường đất đai trước hết phải là ổn định QH đất đai; mọi việc mua bán đất được tự do nhưng phải đúng theo QH sử dụng đất đai. Và Nhà nước chỉ quản lý được sản xuất NN khi chính Nhà nước có QH và tôn trọng QH.

Một số ý kiến cho rằng, trong kinh tế thị trường cần để nông dân sản xuất những gì họ cần, không nên QH. Việc QH có đi ngược lại với định hướng thị trường không, thưa ông?

- Đúng là sản xuất NN phải căn cứ vào thị trường; nhưng là Nhà nước căn cứ rồi xây dựng QH. Ví dụ, Nhà nước xác định Việt Nam có thế mạnh về lúa gạo thì Việt Nam nên tham gia vào thị trường thế giới. Căn cứ vào thị trường thế giới, chúng ta xây dựng QH. Cà phê, cao su… cũng vậy. Việc để nông dân hôm nay trồng cái này, ngày kia lại chặt đi trồng cây khác như hiện nay làm lãng phí cho đầu tư của nông dân và xã hội.

Thực tế, nông dân nhiều khu vực đã và đang trồng cây chủ lực, sản phẩm nông sản quốc gia nhưng đời sống chưa thực sự thay đổi. Nếu lại có QH, siết chặt hơn về sản xuất của họ, liệu có lợi ích gì hơn cho nông dân?

- Các ý kiến phản đối hiện nay cũng có lý vì nông dân rất sợ QH cứng. Vì thế, ngoại trừ sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực, hoặc một số sản phẩm cần có QH cứng. Những khu vực khác, người dân vẫn có thể có quyền thay đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi.

Ngay ở các vùng quy hoạch cứng, sự điều chỉnh QH của Nhà nước không phải là bắt buộc mà chỉ là khuyến khích bằng cách có những hỗ trợ để thu hút người dân về vốn, khoa học kỹ thuật, hạ tầng, quản lý chất lượng và quảng bá thương hiệu. Người dân chỉ sợ khi QH cứng mà Nhà nước không hỗ trợ gì, chỉ thực hiện QH bằng mệnh lệnh hành chính.

Thực ra, vấn đề QH đất đai là một quá trình nhận thức, cũng không phải là những ý tưởng lần đầu tiên được đề cập. Nhưng đây là vấn đề vượt tầm của Bộ NNPTNT và viện chúng tôi. Muốn thực hiện, trước hết phải trở thành quan điểm của Đảng và được đưa vào luật.

Bạn đọc, các doanh nghiệp, nhà quản lý, các chuyên gia... có ý kiến, bài viết góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin gửi về địa chỉ email: ntnnhn@gmai.com hoặc Báo NTNN - 13 Thụy Khuê, Hà Nội (điện thoại 04.38474245; 0912327554). Các nội dung chính cần sự hiến kế của bạn đọc là hạn mức, hạn điền, bồi thường đất nông nghiệp, giá đất nông nghiệp...