Dân Việt

Nhật Bản kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi

02/11/2012 09:31 GMT+7
(Dân Việt) - Là một thị trường được coi là khó tính nhất đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), Nhật Bản đã thiết lập chuỗi kiểm soát ATTP cực kỳ chặt chẽ từ khâu sản xuất đến kinh doanh.

Thiết lập chuỗi theo nhóm ngành hàng

Quản lý ATTP ở Nhật Bản được chia thành 4 giai đoạn, đánh dấu về sự tiến bộ triển khai ATTP (trước Chiến tranh thế giới thứ 2; giai đoạn 1945 - 1984; giai đoạn 1984 - 2002 và giai đoạn từ 2003 đến nay). Giai đoạn 1984 - 2002 là giai đoạn đánh dấu mốc cho sự tiếp cận mạnh mẽ trong việc triển khai ATTP theo chuỗi. Giai đoạn từ 2003 đến nay được xác định là đã cơ bản thực hiện kiểm soát ATTP theo chuỗi đối với hầu hết các loại thực phẩm sản xuất và xuất khẩu.

img
Rau sạch bán tại siêu thị ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi ở Nhật Bản được hình thành từ đề xuất thiết lập chuỗi các nhà sản xuất kinh doanh theo nhóm ngành hàng của các hội nghề nghiệp. Tất cả các nhà sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn phải đăng ký là hội viên của hội nghề nghiệp và họ phải tuân thủ đầy đủ các quy định của hiệp hội, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các nhà sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm an toàn phải hội tụ đủ các yêu cầu về điều kiện cần thiết như: Quy mô sản xuất, sản lượng tiêu thụ, các yếu tố cơ bản về đảm bảo ATTP được đánh giá công nhận, cam kết tự nguyện tham gia. Bên cạnh sự kiểm soát của hiệp hội, các hội viên tự giám sát lẫn nhau trong việc chấp hành các quy định đã cam kết, đặc biệt là các nội dung về ATTP để giữ uy tín của hiệp hội và toàn bộ chuỗi sản xuất sản phẩm. Hiệp hội cũng giữ vai trò là đầu mối kết nối chuỗi liên kết dọc thông qua các hiệp hội với nhau như: Tổ chức các cuộc gặp, hội nghị giữa các nhà sản xuất chế biến với các đơn vị cung ứng, thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Lập Ủy ban An toàn thực phẩm

Để quản lý ATTP theo chuỗi, Nhật Bản rất coi trọng vai trò quản lý và kiểm soát của cơ quan nhà nước. Nhật Bản tổ chức thực hiện kiểm soát ATTP trên cơ sở đánh giá rủi ro đối với từng chuỗi sản phẩm, tức là đối với mỗi chuỗi sản xuất, nhóm ngành hàng cụ thể đều nhận diện ra hết tất cả các nguy cơ/mối nguy về ATTP có thể hiện diện và đưa ra những biện pháp/giải pháp kiểm soát phù hợp, đủ để kiểm soát.

Đặc biệt, việc phân công cơ quan quản lý về ATTP cũng quy về đầu mối và phân công rõ ràng giữa các cơ quan. Hiện tại, việc phân công quản lý ở cấp T.Ư được giao cho Bộ Y tế, Lao động về phúc lợi và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản với những phạm vi quản lý phân công rõ ràng và có những cơ chế phối hợp để triển khai.

Năm 2003, Nhật Bản đã thành lập Ủy ban ATTP, thực hiện chức năng chính đó là tổ chức đánh giá rủi ro theo yêu cầu của các bộ quản lý chuyên ngành ATTP. Các đánh giá rủi ro là căn cứ để cơ quan quản lý quyết định ban hành các quy định áp dụng. Theo đó, việc kiểm tra, giám sát ATTP cũng được thiết lập theo chuỗi.

Cơ quan quản lý theo phân công sẽ dựa trên nguy cơ về ATTP đã được xác định trong chuỗi và dòng chảy của sản phẩm từ công đoạn sản xuất đến tiêu thụ trên thị trường để xác định các điểm kiểm soát phù hợp, nhằm phát hiện các vấn đề về ATTP, đồng thời có biện pháp ngăn chặn sản phẩm không đảm bảo yêu cầu được lưu thông trên thị trường, đến tay người tiêu dùng.