Yêu nước Nga từ thuở thiếu niên
"Tôi yêu nước Nga từ thuở thiếu niên" - đại tá Vũ Kế Nghinh - Phó Chủ nhiệm Công binh Quân khu 5, người từng có 5 năm học ở Học viện Công binh Quybisép thuộc thành phố Matxcơva mở đầu câu chuyện về nước Nga như thế.
Đại tá Vũ Kế Nghinh với người thầy dạy tiếng Nga (ảnh chụp lại).
|
Anh bảo, đến giờ anh vẫn còn nhớ, có lần bị ốm, thầy Cherevan dạy tiếng Nga đã hướng dẫn anh cách xông hơi, rồi đưa đi bệnh xá chăm sóc tận tình. Rồi một lần hành quân dã ngoại, các anh không thể nào mua được bánh mì để ăn, các thầy đã dẫn lớp vào một đơn vị quân đội và cả lớp đã có bữa ăn trưa từ sự san sẻ của những người lính.
Đại tá Lê Hữu Xuân- Trưởng Biên phòng Quân khu 5 cũng được đi học lớp tham mưu biên phòng tại Matxcơva từ 1989 - 1990. Anh bồi hồi kể: "Lớp tôi lúc đó có 16 học viên. Lần đầu tiếp xúc với máy móc hiện đại trong ngành, ai nấy không khỏi chạnh lòng trước trang bị đơn sơ ở nước mình. Nhưng thầy Sasơlacốp đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng tôi. Thầy kể rằng ở một số đồn biên phòng của Nga việc kiểm tra qua lại biên giới chủ yếu bằng điện từ. Mỗi khi có người qua, máy đóng mở 1 lần. Lợi dụng điều này, kẻ xấu dùng trò cõng người qua cửa khẩu. Thầy kết luận rằng, làm nhiệm vụ không nên phụ thuộc vào máy móc mà phải bằng con mắt nghiệp vụ tỉnh táo. Câu chuyện đó làm tôi nhớ mãi".
Nước Nga vẫn thao thức trong tôi
Thượng tá Nguyễn Việt Hùng- Phó phòng Tuyên huấn Quân khu 5 kể, thầy hiệu phó của trường đã từng làm cố vấn quân sự ở Trường Sĩ quan Chính trị nơi trước đây các anh học nên dành cho các anh tình cảm đặc biệt. Ông can thiệp với nhà trường để cả bọn được nấu nướng tại nhà, tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ. Ông quản lý của trường thì lại rất khâm phục đất nước Việt Nam không chỉ đánh Pháp, đuổi Mỹ giỏi, mà còn giúp bạn Campuchia thoát khỏi diệt vong và vì thế ông rất quý chúng tôi. Những ngày sắp về nước, ông dành cả tuần lấy ô tô của mình chở các anh đến một nhà máy gỗ ép để làm thêm kiếm tiền.
Thượng tá Nguyễn Việt Hùng
“Tôi không bao giờ quên lần đi thăm Pháo đài cổ Bretxtơ ở Bêlarút, nơi ngày 22.6.1941, phát xít Đức nổ phát súng đầu tiên tấn công Liên Xô và những người lính Xô viết đã anh dũng hy sinh để bảo vệ pháo đài. Tận mắt chứng kiến di tích lịch sử này, tôi đã lặng đi vì xúc động, càng thấy nước Nga thiêng liêng biết chừng nào” - thượng tá Hùng nhớ lại.
Theo phong tục của người Nga, khi quỳ xuống dưới quân kỳ làm lễ tuyên thệ ra trường, sinh viên sẽ thả từ trong túi ra những đồng xu kôpếch nhằm kết thúc những ngày khó khăn để bước vào cuộc sống mới. Nhưng với anh lúc ấy, giã từ những ngày tươi đẹp bên nước bạn mới thực sự khó khăn.