Năm 1972, mới 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi hăng hái lên đường nhập ngũ. Vốn quen với sóng gió nơi làng biển lại có sức khỏe, tôi được cấp trên cử đi học khóa hàng hải ở đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) rồi biên chế vào Tiểu đoàn 136 thuộc lực lượng hải quân.
Ông Lại Quốc Anh. |
Năm 1978, tôi phục viên trở về với làng cát Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình), nơi đó vợ tôi đang tảo tần, chờ tôi hàng ngày. Cũng như bao hoàn cảnh khác, những năm tháng đó, cuộc sống cơm áo với bao khó khăn bủa vây gia đình tôi. Lúc đầu chưa có vốn làm ăn, tôi phải làm bạn thuyền đi đánh cá để lo toan cuộc sống gia đình. Sau đó, tôi tham gia tổ hợp tác đánh cá ở địa phương.
Năm 1984, đôi mắt của tôi bắt đầu có dấu hiệu đau nhức rồi thị lực kém dần. Nhưng bệnh tật không thể buộc tôi bỏ nghề biển vì phía sau là cả một gia đình với bao nỗi lo cơm áo. Ngày lại ngày, vợ tôi dắt tôi lên tàu để cùng với những bạn chài thân thiết tiếp tục vươn khơi. Lần hồi mãi, cuối cùng tôi cũng tích góp được vốn liếng để sắm tàu riêng, đó là thời điểm năm 2001. Có tàu, đó là mơ ước bao năm của tôi bởi nó là khối tài sản khổng lồ mà cuộc sống của cả gia đình tôi đều phụ thuộc vào đó. Vậy là hàng ngày tôi phải cắn răng giấu đi những cơn đau đang dần lấy đi thị lực để hành nghề mưu sinh.
Năm 2011, khi con cái đã trưởng thành, cũng là lúc đôi mắt của tôi kém hẳn. Con cháu không cho tôi ra khơi nữa, tôi giao lại tàu cho chúng. Tưởng dứt được với nghề biển, nhưng thật lạ lùng, những đêm không ngủ được, nỗi nhớ biển trong tôi cứ trỗi dậy. Không ra khơi được, tôi tìm đến biển cả qua những mắt lưới cho đỡ buồn, đồng thời hỗ trợ cho các con bám biển.
Ban đầu do không rành nên lưới đan không đạt yêu cầu. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng tôi cũng đan lưới thành thạo. Đến nay, mỗi ngày tôi có thể hoàn thành một tấm lưới có 280 mắt dùng để đánh bắt mực. Mỗi tấm lưới sau khi đã trừ chi phí, tôi cũng thu lãi 70 ngàn đồng, đồng thời hỗ trợ được một ít ngư cụ cho các con trong những chuyến biển vươn khơi. Và quan trọng, việc đan lưới đó giúp tôi vơi đi nỗi nhớ biển đã ngấm vào máu thịt của tôi.
Ông Lại Quốc Anh (thôn Cửa Thôn, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình)
Phan Phương (ghi)