Chiều nay, trời lại mưa. Lúc đầu còn nhỏ hạt, dần dần mưa càng dày đặc. Mùa đông dường như đã đến kề cận nơi mảnh đất miền Trung này dù. Cô bạn ngồi nhìn mưa rồi nói “thèm chè trôi nước quá”. Nghe nhắc đến chè trôi nước, tôi không thể kiềm lòng, vậy là lang thang dưới mưa để tìm bằng được một gánh hàng trôi nước nóng hổi.
Tên gọi chè trôi nước có lẽ xuất phát từ việc các viên chè được luộc trong nước sôi, khi chín sẽ nổi bồng bềnh trên mặt nước. Những viên chè to, nhỏ trông khá xinh xắn, thoang thoảng mùi thơm của gừng từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người khi trời trở lạnh.
Nguyên liệu chính làm nên chè trôi nước đơn giản, gồm bột sắn (có thể thay bột sắn bằng bột nếp), nước cốt dừa, đậu xanh và ít gừng. Theo bí quyết của người quê tôi, bột sắn làm chè tuyệt đối không bị biến màu, không có mùi chua mốc; đồng thời đậu xanh phải chọn loại hạt nhỏ, vàng và thơm, căng tròn không bị lép.
Chè trôi nước gồm có lớp vỏ bằng bột sắn bao bên ngoài khối nhân làm từ đậu xanh. Bột sắn được nhào trộn thật kỹ với nước ấm cho đạt đến độ dẻo thích hợp. Một vài gia đình muốn chén chè "điệu" hơn có thể xay nhuyễn lá dứa, lấy phần nước cốt cho vào trong quá trình nhào bột để tạo màu xanh cho viên chè, cũng như mùi thơm đặc trưng của lá dứa.
Tiếp theo là bắc nồi đậu xanh đã bóc vỏ lên bếp luộc chín mềm, dùng muỗng nghiền đậu dẻo mịn, sau đó để nguội rồi nắn đậu thành từng viên nhỏ. Nếu muốn vị chè thêm phong phú có thể cho một ít gia vị như muối, nấm mèo, tiêu vào đậu xanh.
Khâu tạo hình cũng khá quan trọng. Lấy một khối bột sắn ép thành miếng mỏng, cho viên đậu xanh vào giữa, túm các góc bột sao cho bột có thể bao kín phần nhân phía trong và vo thành viên tròn. Sau khi định hình, từng viên chè được thả vào luộc trong nước sôi cho đến khi chúng nổi lên mặt nước. Cuối cùng cho các viên chè vào nồi nước đường đến khi ngấm đường, thêm một ít gừng trước khi tắt bếp.
Chè trôi nước ngon hơn nếu có thêm nước cốt dừa. Chọn dừa khô, cơm dày, nạo vắt lấy nước cốt. Cho phần nước dừa cô đặc vào chảo cùng với một ít đường nấu cho đến khi sệt lại. Trong quá trình nấu, vặn lửa nhỏ và khuấy đều. Độ đặc và độ ngọt của nước cốt dừa tùy thuộc vào người ăn.
Qua mấy trận gió chuyển mùa, đâu đó bên vỉa hè những gánh chè trôi nước mọc lên nhiều hơn. Chỉ cần thấy chị bán chè múc một vá nóng hổi cho vào chén nhỏ rồi rắc lên một ít mè thơm là đã muốn ghé vào thưởng thức...Tro