Huyền tích Mường Vôi truyền lại rằng, Thành hoàng của bản là 2 anh em họ Bùi có công khai rừng, mở lối đưa người Mường tới định cư ở mảnh đất này, rồi dạy bà con cách đắp hồ Đồng Rược, đưa nước từ Khụ Rác về cánh đồng Thung Búng để gieo hạt lúa, trồng cây ngô, cây khoai.
Chụng đu trong ngày hội. |
Cái ăn đã đủ, thấy đời sống tinh thần của người Mường còn thiếu quá, hai ông nghĩ ra trò chụng đu rồi dạy bà con vui chơi vào những dịp lễ Tết, nông nhàn. Từ đó trở đi, Lễ hội Chụng đu trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của bản làng, sau một năm làm việc nặng nhọc.
Ngày chính lễ hội, từ sáng sớm, các vị chức sắc, già bản đã có mặt để duyệt 3 mâm đồ lễ, gồm: Xôi, gà, vàng hương, rượu. Đoàn séc bùa do chị em mặc áo dài thụng đi trước, vừa đi vừa đánh chiêng, theo sau là 3 cô gái bưng 3 mâm lễ cùng những bậc cao tuổi tiến về phía miếu Thành hoàng.
Mọi người sắp lễ, xếp hàng nghiêm trang, thầy mo mặc áo thụng, đầu đội mũ tai én thắp hương; ông trưởng chòm phụ lễ công; 2 cụ ông, cụ bà đại diện dân bản kính cẩn làm lễ dâng rượu Thành hoàng. Thầy mo đọc lời cúng, vừa là tạ ơn người đã có công khai khẩn đất hoang lập bản, vừa cầu một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng sinh sôi, làm ăn phát đạt, nhà nhà yên vui, bản mường no ấm và mời đức Thành hoàng về hưởng lễ, chứng giám.
Sau phần lễ đến phần hội chụng đu. Cột đu đã dựng từ trước, sau khi cặp trai gái đã chọn sẵn thông đu, lần lượt từng cặp nam nữ bước vào chụng đu thi. Từ Hội Chụng đu, không ít cặp trai gái đã nên vợ, nên chồng. Ngày nay, Hội Chụng đu không chỉ có thi đánh đu, mà còn có các trò ném còn, bắn nỏ, kéo co, đánh bóng chuyền, đánh mảng, đẩy gậy...
Ngày hội kết thúc khi nghi lễ hạ cột đu diễn ra đúng vào thời khắc của ngày mà người Mường lựa chọn là khai hạ của năm đó. Bà con háo hức chờ đợi giây phút cột đu được hạ xuống, vui sướng nếu cột đu đổ vào hướng tâm của bản. Bởi theo quan niệm, năm đó bản làng sẽ no đủ, mọi sự tốt lành...
Vĩnh Minh