Dân Việt

Mưu sinh với nghề đồng nát

26/02/2011 08:26 GMT+7
(Dân Việt) - Gọi là nghề vì dựa vào đó, nhiều chị em ở quê lên thành phố mới kiếm được bát cơm, manh áo. Để có được "nghề" này, chị em cũng phải lăn lộn, học hỏi lẫn nhau để tránh việc tay trắng về quê.

Ở mọi ngõ ngách của TP. Huế, chúng tôi đều bắt gặp bóng dáng những người thu mua đồng nát, với tiếng rao: "Chai, dép, giấy loại bán không"... Người thu mua đồng nát đủ mọi lứa tuổi (đa số là phụ nữ), người thì đi xe đạp, người thì gồng gánh trên vai, cứ thế mà đi.

Nghề của người nghèo

Chị Lê Thị Kính, 45 tuổi (xã Thủy Dương, huyện Hướng Thủy) đã theo nghề đồng nát gần 8 năm, chia sẻ: "Cứ nhìn vào hạt lúa, củ khoai thì chết đói bởi mất mùa, sâu bệnh… Tui theo nghề đồng nát ni, sáng mai đi là chiều mới về, trưa ở lại kiếm gì ăn tạm, tìm chỗ bóng mát mô đó nghỉ tý rồi lại tiếp tục đi. May ra ngày cũng được 40 - 50 nghìn đồng, góp nhặt nuôi 4 con ăn học".

img
Cuộc sống khó khăn, nhiều phụ nữ lên TP. Huế kiếm sống bằng nghề thu mua đồng nát.

Chị Kính thổ lộ với khuôn mặt lem luốc, đen nhẻm: "Có hôm cũng buồn lòng, người ta chỉ trỏ, hắt hủi đồ cái bọn đồng nát này là không thật thà gì hết, hở cái gì là chúng nó chôm luôn. Nếu mà thấy bọn này là "tống cổ" đi. Nghe thì cũng tủi lắm nhưng cốt là mình sống cho ngay thẳng, không làm việc xấu là được".

Chị Hồ Thị Kiều mới 38 tuổi, nhưng trông già hơn tuổi rất nhiều. Chị lấy chồng sớm, nên 2 con đã học cấp 2, chồng thì bệnh tật, chị là lao động chính. Mặc dù chưa mua được gì, nhưng chị vẫn nán lại một chút để tâm sự cùng chúng tôi: "Gia đình tui làm ruộng, thiếu ăn triền miên, chồng bệnh tật nên tôi phải bươn chải thêm. Nghề đồng nát gắn bó với tui hơn chục năm rồi. Cái nghề suốt ngày tiếp xúc với bụi bặm, nắng mưa, hôi hám… nhưng không làm lấy gì mà ăn”.

Em Nguyễn Thị Phương, 20 tuổi, từ Quảng Bình vào Huế thu mua đồng nát được gần 3 năm thì ngại ngần: "Do nhà nghèo, không có tiền ăn học, em vào Huế tìm việc làm, chọn nghề thu mua đồng nát kiếm tiền. Khi vào các dãy trọ sinh viên mua giấy loại, chai lọ… nhìn các bạn cùng trang lứa như mình được học hành tử tế, còn mình thì lầm lũi, thấy tủi thân lắm".

Nghề lắm mồ hôi, nước mắt…

Có lẽ không nghề nào lắm mồ hôi, nước mắt như nghề buôn đồng nát. Cũng như ở Huế, TP.Hà Nội thu hút khá nhiều lao động nữ ở các huyện lân cận tới buôn bán đồng nát. Chị Bùi Thị Mơ (xã Duyên Thái, Thường Tín) cho hay: Nghề đồng nát đi mua từ giấy báo tới các đồ nhôm, nhựa, nhưng nếu không tinh mắt, biết nghề thì cũng lỗ vốn.

img Chỉ cần được học nghề, có việc làm ở quê, tôi sẽ xung phong đi làm đầu tiên. Chứ nghề này, nói là nghề, nhưng bấp bênh và không có tương lai nào cả. img

Ví dụ như giấy báo mua 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng đó là báo giấy thường, chứ báo giấy in bóng thì rẻ bèo, cho cũng không lấy. Nhưng lúc vào nghề em không biết, cứ thấy báo là mua.

Mấy hôm đầu mua tích vào để bán một thể, tới lúc bán thì lỗ mất vài trăm ngàn đồng". Đồ nhôm, đồ nhựa cũng vậy. Nhựa mềm giá khác, nhựa cứng giá khác… "Nếu không biết mua thì chỉ vài ngày, cái vốn còm cõi cũng đi tong"- chị Lại Thị Nga ở Cam Thượng, Ba Vì cho hay.

Mất vốn chưa lo bằng bị đánh, bị đe doạ, thậm chí bị làm nhục. Chị Lại Thị Nga cho hay, có hôm vừa đạp xe tới Hà Nội, trời còn chưa tỏ, chị bị 3 thanh niên chặn lại "xin đểu" mất gần 1 triệu đồng. "Đó là tiền vốn và là tiền sinh hoạt cả tháng của gia đình em. Mấy hôm liền, em cứ vừa đi làm, vừa khóc"- chị Nga nói. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là những người làm nghề đồng nát đang phải đối mặt với nguy cơ dễ bị tai nạn giao thông, nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da… rất cao.

"Nhiều người cứ bảo thời buổi này dân đồng nát dễ làm ăn lắm, mua 1 - 2 là bán được 10. Nhưng thực ra vào nghề mới biết, cả ngày đạp xe tê cứng hết cả chân, “đắt hàng" lắm mới lãi được 100.000-200.000 đồng. Tôi đang có ý định chuyển nghề nhưng khó quá" - chị Lại Thị Phượng, cùng nhóm với chị Nga thở dài. Mong muốn của chị Phượng cũng là mong muốn của nhiều chị em trong nhóm.