Trong 469 dự án đó, gần đây, cơ quan chức năng tỉnh buộc phải ra quyết định thu hồi 49 dự án với tổng diện tích 5.000ha. Một trong những nguyên nhân bị thu hồi là do các chủ đầu tư đã để rừng bị xâm hại, tình trạng tàn phá môi trường rừng diễn ra không phải là không phổ biến.
Nhiều cây thông dọc QL 723 bị triệt hạ đang ứa nhựa. |
Trong cuộc kiểm tra mới đây nhất vào những ngày cuối tháng 2.2011 do ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Bí thư thường trực tỉnh Lâm Đồng, dẫn đầu tại huyện Lạc Dương, nhiều thành viên trong đoàn đã bàng hoàng trước một "công nghệ" tàn phá rừng thông ở đây: Vừa vạt gốc, vừa đổ hóa chất độc hại để quá trình thông chết đứng diễn ra nhanh hơn!
Theo báo cáo của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, tính đến cuối tháng 2.2011, trên địa bàn huyện, có 32 dự án đang được triển khai trên diện tích đất lâm nghiệp đã giao và cho thuê là 4.504ha. Ghi nhận của đoàn kiểm tra tỉnh cho thấy, tại diện tích đất rừng huyện Lạc Dương đã cho Doanh nghiệp Thành Văn thuê, có đến 250 cây thông vài mươi năm tuổi bị triệt hạ, đang chết đứng bởi nạn vạt gốc và đổ hóa chất độc hại. "Chưa thể kết luận doanh nghiệp này là thủ phạm, nhưng chắc chắn vụ việc phải được làm rõ trong tương lai gần!" - một thành viên của đoàn kiểm tra phát biểu.
Mở rộng phạm vi kiểm tra dọc QL 723, đoàn kiểm tra còn phát hiện có không ít cơ sở cưa xẻ gỗ dã chiến được đặt ngay trong rừng. Tại tiểu khu 118 thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, đoàn kiểm tra còn ngạc nhiên hơn khi tại đây có đến hàng trăm cây thông tuổi từ 20 - 30 năm bị chặt hạ một cách không thương tiếc, nhựa thông còn tươi rói. "Hầu hết những cây thông bị triệt hạ bằng nhiều cách này thuộc diện tích đất rừng đã giao cho các dự án" - ông Phạm Văn Án - Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết.
Được biết, cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới, công việc kiểm tra các dự án liên quan đến rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục được triển khai, và chắc chắn không ít sai phạm mới sẽ được phát hiện!
Võ Khắc Dũng