Ông Đoàn Trọng Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng cho biết: “Trước thực trạng chế biến chè bẩn của các hộ dân phía Bắc đang rộ lên, Hiệp hội Chè Việt Nam đã lên tiếng đề nghị chính quyền các địa phương cần vào cuộc để sớm lập lại trật tự trong sản xuất và kinh doanh chè, tránh làm ảnh hưởng xấu đến sản phẩm trà Việt”.
Vùng chè Lâm Đồng vẫn đang sạch nhưng không vì thế mà chủ quan. |
Theo quy hoạch phát triển vùng chè chất lượng cao của tỉnh đã được phê duyệt thì đến năm 2020, Lâm Đồng có khoảng 28.000ha. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng – ông Đoàn Trọng Phương – cho biết: “Cuối tháng 6 vừa rồi, tại một cuộc họp của Hiệp hội Chè Việt Nam tại Hà Nội, tình hình sản xuất chè bẩn ở một số tỉnh như Tuyên Quang, Yên Bái… đã được phản ánh và Hiệp hội cũng đã có những động thái theo chức năng để ngăn chặn.
Tuy nhiên, vì hám lợi, không ít hộ dân ở những tỉnh này hiện vẫn đang tiếp tục sản xuất theo “công nghệ” chè bẩn này. Điều đó khiến cho ngành chè không tránh khỏi những lo ngại đối với vùng nguyên liệu chè lớn nhất Việt Nam là Lâm Đồng”.
Hôm qua (20.7), Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có công điện gửi UBND các tỉnh miền núi phía Bắc về việc "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè". Bộ NNPTNT yêu cầu, UBND các tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh chè, phát động quần chúng nhân dân lên án, tố giác, đấu tranh với các hành vi nêu trên. Bộ sẽ thông báo công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chè vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lê Hân
Cũng theo ông Phương, “công nghệ” chế biến bẩn này thường chỉ được sử dụng ở một số vùng chè kém chất lượng, năng suất thấp… (gọi nôm na là vùng nguyên liệu “chè xanh”). Ở Lâm Đồng, trong 25.000ha chè hiện đang cho thu hoạch, diện tích chè chất lượng cao chiếm một phần đáng kể; trong 1.700ha còn lại, phần lớn là chè chất lượng cao trồng mới, chưa cho thu hoạch.
Thực tế ở Lâm Đồng cho thấy, với chè chất lượng cao, trung bình 1ha mỗi năm cho doanh thu không dưới 200 triệu đồng, trong đó có 50% lợi nhuận. Với diện tích chè cành, doanh thu cũng đạt đến con số 23 – 25 triệu đồng/ha/năm.
Như vậy, so với cùng đơn vị diện tích chè được chế biến theo “công nghệ” bẩn ở phía Bắc (khoảng 10 – 15 triệu đồng doanh thu) thì doanh thu từ cây chè Lâm Đồng cao hơn nhiều. “Do vậy, không ai dại gì mang chè búp của Lâm Đồng ra để chế biến theo “công nghệ” bẩn” – ông Phương nói.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đối với vùng chè Lâm Đồng là hiện vẫn còn một “vùng nguyên liệu hẹp” là diện tích chè già cỗi, kém năng suất và chất lượng chưa kịp chuyển đổi rất có thể sẽ là “đích ngắm” của thứ công nghệ “bẩn” kỳ quái này.
“Không thể chủ quan được! Để giữ vùng chè Lâm Đồng luôn sạch, ngay từ bây giờ, chính quyền và các cơ quan chức năng cùng với ngành chè cần vào cuộc với những việc làm cụ thể như không cho phép người dân nhập chè xanh từ phía Bắc vào để đấu trộn, ngăn chặn các tư thương nước ngoài “đặt hàng” các hộ dân, ngăn chặn việc tận thu (hái cả cành nhánh, lá già…) để chế biến…” – ông Phương nói.
Võ Khắc Dũng