Tunisia thay thủ tướng
Trong một cuộc họp báo ngày hôm chủ nhật (27.2), thủ tướng Tunisia Mohammed Ghannouchi đã đưa ra quyết định từ chức sau khi cố gắng lên tiếng bảo vệ những thành quả của chính phủ trong thời gian qua.
Trước đó, các lực lượng an ninh đã đụng độ với nhiều người biểu tình đòi phế truất Ghanouchi và một số vị bộ trưởng trong chính phủ lâm thời của ông.
Mohammed Ghannouchi được xem là một đồng minh thân cận của cựu tổng thống Zineal- Abidine Ben Ali, người mới bị lật đổ trong cuộc nổi dậy tháng trước. Sự sụp đổ của cựu tổng thống Ben Ali sau hơn 23 năm cầm quyền được xem như là ngòi nổ kéo theo hàng loạt các cuộc nổi dậy trên khắp thế giới Arab, bao gồm cả các cuộc bạo động kéo dài gần 3 tuần lễ ở Ai Cập khiến vị tổng thống nắm quyền suốt 3 thập kỷ Hosni Mubarak buộc phải từ chức.
Tổng thống lâm thời Foued Mebazaa đã chỉ định ông Caid Essebsi, 84 tuổi. “Caib Essebsi được biết đến là người yêu nước, trung tính và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của tổ quốc”, tổng thống nói.
Được xem là một người tự do, ông Caib Essebsi từng đảm đương nhiều chức vị bộ trưởng dưới thời cố tổng thống Habid Bourguiba, người lãnh đạo Tunisia giành độc lập từ thực dân Pháp. Ông từng là bộ trưởng Quốc Phòng, bộ trưởng Ngoại giao và chủ tịch Quốc Hội.
Các nhà quan sát nói chung ủng hộ sự ra đi của ông Ghannouchi, cho rằng đó là một động thái có trách nhiệm nhằm giảm thiểu tình trạng căng thẳng, nhưng chỉ trích việc bổ nhiệm thủ tướng mới quá chóng vánh.
“Làm sao Tunisia có thể vượt qua khủng hoảng nếu tổng thống không bỏ ra 24 giờ cân nhắc”, lãnh đạo liên đoàn lao động nhiều quyền lực UGTT, ông Ali Ben Romdhane, nói.
Bầu không khí “nóng như lửa” bao trùm khắp đất nước Libya khi có tới hàng trăm người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh chính phủ. |
Lan tới Oman
Oman, vương quốc thái bình nằm bên bờ biển phía Đông Nam của bán đảo Arab, đã tham gia "cách mạng hoa nhài" vào ngày 27.2 vừa qua, khi hàng trăm người kéo ra đường biểu tình đòi cải tổ chính trị tại thị trấn Sohar, cách thủ đô Muscat khoảng 200km. Người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát khiến ít nhất 2 người chết.
Ngay sau khi xảy ra bạo động, quốc vương Sultan Qaboos bin Said, người trị vì vương quốc dầu mỏ này suốt 40 năm qua, ra lệnh phải tạo ra 50.000 việc làm. Ông cũng ra lệnh mỗi người đi xin việc phải được 386 USD/ tháng.
Cuộc biểu tình ban đầu diễn ra trong hòa bình, nhưng biến thành bạo lực sau khi cảnh sát bắn đạn cao su vào người biểu tình, khiến họ giận dữ đốt một số tòa nhà của chính quyền, trong đó có 1 đồn cảnh sát.
Reuters dẫn lời các nhân chứng ở Sohar cho biết có khoảng 2000 người đã tập trung ở quảng trường đòi cải tổ về chính trị, tăng công ăn việc làm và tăng lương. Các sỹ quan cảnh sát lúc đầu cố giải tán họ bằng hơi ga, dùi cui và sau đó là đạn cao su. “Không rõ sắp tới điều gì sẽ sảy ra”, một nhân chứng nói. “Nhưng dân chúng đang giận dữ và có thể lại có bạo động.
Các chính phủ của một số nước Trung Đông gần đây đã truyên bố cải tổ và hỗ trợ tài chính hòng xoa dịu dân chúng. Nhưng trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều lời kêu gọi cho một cuộc biểu tình với quy mô lớn ở các nước Tunisia, Morocco, Algeria, Libya, Jordan, Qatar, Oman và Bahrain vào ngày 4.3 tới. Trong khi tại Yemen, các lãnh đạo bộ tộc và tôn giáo – những người chuyên hòa giải chính phủ và nhân dân – nay cũng tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Chính phủ lo. AlQaeda cũng sầu
Trong gần 2 thập kỉ qua, lãnh đạo của Al Qaeda tố cáo các nhà độc tài ở thế giới Arab là theo “dị giáo”, là tay sai của phương Tây, và Al Qaeda luôn kêu gọi người dân lật đổ họ.
Thế nhưng khi hiện nay, Ben Ali đã “đào tẩu”, Mubarak bị truất phế và Gadhafi đang lo sợ, thì Al Qaeda lại nản lòng, vì những thánh chiến chẳng đóng vai trò gì trong cuộc cách mạng vĩ đại đang diễn ra ở thế giới Arab.
Những phong trào chống đối nổ ra thình lình và đầy ảnh hưởng hoàn toàn cách biệt với hai cương lĩnh nòng cốt của AlQaeda là giết hàng loạt và cuồng tín. Những người nổi dậy rất hạn chế dùng bạo lực, xem hồi giáo là thứ yếu và đòi tự do dân chủ, và những thứ đó chính xác lại là những điều mà Osama bin Landen cùng tay chân hắn ghét cay ghét đắng.
Đối với các chuyên gia khủng bố ở Trung Đông, loạt diễn biến trong những tuần lễ qua đang mở ra kỉ nguyên thất bại cho AlQaeda, khiến những kẻ kêu gọi thánh chiến bị xem như những bất lực, bị lịch sử loại ra một bên khi đang cố gắng hô hào thanh niên hồi giáo chọn con đường khủng bố.
“Cho đến nay, diễn biến thật sự bất lợi cho AlQaeda”, theo Paul R.Pillar- một nhân viên CIA chuyên nghiên cứu khủng bố ở Trung Đông suốt 30 năm qua. “Dân chủ là tin xấu cho bọn khủng bố. Người ta càng có nhiều kênh hòa bình để bày tỏ sự bất bình và đòi quyền lợi, thì họ càng ít nghĩ đến bạo lực".