Dân Việt

Vụ 100.000 tấn ngô bị ách: Tái xuất để bảo vệ nông sản nội

02/03/2011 14:29 GMT+7
(Dân Việt) - Về vụ 100.000 tấn ngô đang bị ách tại các cảng, gây khó khăn cho sản xuất thức ăn chăn nuôi thời gian tới, NTNN trao đổi với ông Hoàng Trung - Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT.

Ông Trung cho biết: Việc kiểm dịch các lô hàng ngô nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam lần này được thực hiện theo đúng quy định về kiểm dịch thực vật của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Trước khi áp dụng các trình tự tái xuất, Cục BVTV đã làm việc với cơ quan kiểm dịch Ấn Độ.

img
Thiếu ngô nguyên liệu, hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước có thể bị ảnh hưởng.

Quan điểm của chúng tôi là phải bảo vệ tuyệt đối nền sản xuất trong nước. Do hàng hoá nhập từ Ấn Độ về chúng tôi đã phát hiện có dịch hại với tần suất và số lượng rất lớn nên quan điểm của Cục BVTV, Bộ NNPTNT và cả liên bộ là phải áp dụng biện pháp tái xuất.

Theo quan điểm của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam, trong trường hợp buộc phải tái xuất sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất TĂCN sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng...

Việc áp dụng biện pháp này, biện pháp nọ đương nhiên không thể tránh được thiệt hại, nhưng cần phải cân nhắc giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của từng doanh nghiệp. Bởi vì chỉ cần để lọt một đối tượng dịch hại vào sẽ gây ra hậu quả rất lớn khi 6 triệu tấn gạo và hàng loạt các nông sản khác sẽ không xuất được đi nước nào.

Trước khi áp dụng biện pháp tái xuất, Cục BVTV đã cảnh báo rất nhiều lần đối với các doanh nghiệp và đã thông báo đến các nước có hàng xuất khẩu sang Việt Nam tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật. Song hàng hoá xuất sang Việt Nam nhiều đã không kiểm soát chặt chẽ.

Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho rằng, chúng ta có thể áp dụng biện pháp xử lý hun trùng đối với các lô hàng bị nhiễm mọt, mà không nhất thiết phải tái xuất tất cả hàng trên tàu. Quan điểm của Cục BVTV về vấn đề này ra sao?

Báo cáo Thủ tướng vụ ngô nhiễm mọt

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng Chính phủ, sau khi phát hiện số ngô bị nhiễm mọt, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã đề nghị tái khử trùng số lượng hàng nói trên. Tuy nhiên, Cục BVTV cho rằng, do số lượng hàng quá lớn, nên việc khử trùng triệt để là rất khó đảm bảo. Vì vậy, Cục này quyết định tái xuất nguyên trạng số hàng nói trên. Ngày 22.2, Bộ NNPTNT có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và thống nhất cho tái xuất số hàng này. Bộ NNPTNT cho rằng đó là biện pháp phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hun trùng chỉ xử lý được đối với những trường hợp bị nhiễm lần đầu tiên hoặc nhiễm với số lượng ít và phải có sự giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, không phải cứ lô hàng nào vào Việt Nam cũng áp dụng biện pháp này, vì nguy cơ để lọt đối tượng dịch hại vào nước ta là rất lớn.

Hơn nữa, lần này số lượng TĂCN nhập về bị nhiễm dịch hại khá lớn, trung bình mỗi tàu có đến 22.000 tấn, trong khi năng lực của các đơn vị khử trùng Việt Nam đối với mỗi tàu như thế là không thực hiện được.

Vậy chúng ta có thể xử lý bằng việc, hầm tàu, lô hàng nào an toàn thì vẫn cho giải phóng hàng hoá để thông quan được không?

Khi một đối tượng bị nhiễm vào tàu, khả năng lây lan từ hầm nọ sang hầm kia là không tránh khỏi. Hơn nữa, quy định kiểm dịch thực vật quốc tế không phải là khi phát hiện một bao hàng hay lô hàng có nhiễm dịch thì chỉ cho tái xuất lô hàng đó, mà buộc phải làm triệt để theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, về lâu dài, trong trường hợp chúng ta không nhập ngô, khô đậu tương từ Ấn Độ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho chúng ta, vì nếu nhập khẩu ngô từ Mỹ, Argentina giá sẽ đội lên rất nhiều. Bộ NNPTNT đã tính toán đến vấn đề này chưa?

Vừa rồi, một đoàn kiểm dịch thực vật của Ấn Độ đã sang làm việc với Việt Nam và họ đã thừa nhận toàn bộ hàng của họ đã nhiễm đối tượng kiểm dịch của Việt Nam. Họ cũng đã đề xuất hai bên sẽ ký kết văn bản kiểm soát tại gốc (từ Ấn Độ) để không nhiễm các đối tượng dịch hại.

Nếu làm được như vậy, việc nhập khẩu hàng từ Ấn Độ về nước ta sẽ được tiến hành bình thường, còn nếu cứ để tình trạng này xảy ra, thậm chí chúng tôi sẽ đề nghị biện pháp cao hơn là tạm dừng xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!