Dân Việt

Hà Giang: Du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách

20/08/2012 13:01 GMT+7
(Dân Việt) - Hình thành các làng “Du lịch cộng đồng” bằng cách giữ lại những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa, lấy họ làm chủ thể, vừa phục vụ du khách tham quan, vừa phục vụ ăn, nghỉ tại nhà...

Mô hình này đang rất phát triển tại Hà Giang.

Hấp dẫn du lịch tại gia

Từ năm 2006, một số làng dân tộc thiểu số ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn; xã Phương Thiện (TP. Hà Giang)… đã được các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan và tổ chức ăn nghỉ tại nhà dân. Mô hình homestay manh nha từ đó.

img
Được tham gia các công việc hàng ngày cùng người dân là sự yêu thích của nhiều du khách. V.T

Đến nay, Hà Giang đã xây dựng được 25 làng văn hóa du lịch cộng đồng (tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng), thu hút được một lượng khách trong nước và quốc tế đáng kể. Đặc biệt tại các bản Tiến Thắng (xã Phương Thiện); bản Tùy (xã Ngọc Đường, TP. Hà Giang)… mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, nghỉ ngơi.

Ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, thời gian tới, ít nhất mỗi huyện của tỉnh sẽ xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng. Với định hướng này, hy vọng một ngày không xa du lịch sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Giang.

Chị Maria (32 tuổi), du khách người Pháp đang nghỉ tại nhà chị Viên Thị Mơ ở bản Tiến Thắng, bày tỏ: "Tôi rất vui vì được nghỉ lại, sinh hoạt cùng với người dân ở đây. Nhờ đó, tôi đã hiểu thêm về phong tục, tập quán, bản sắc dân tộc của các bạn. Bản làng của các bạn rất đẹp, không khí trong lành…!".

Để “vui lòng khách đến...”

Để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", các đơn vị du lịch đã tổ chức nhiều khóa tập huấn du lịch cộng đồng ngay tại thôn, bản, thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Chị Viên Thị Mơ cho biết, các lớp tập huấn đã dạy cho người dân kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, hướng dẫn phục vụ du khách, và hướng dẫn người dân xây dựng bể nước, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhờ đó mà ý thức, kỹ năng của người dân được nâng lên rõ rệt.

Để tận dụng lợi thế của các làng bản phục vụ du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hà Giang đã vận động, hỗ trợ người dân sửa lại nhà của mình, mua sắm các thiết bị, đồ dùng cho khách. Mỗi hộ, tùy theo diện tích nhà, có thể đáp ứng được từ 10 - 25 người. Cũng tùy theo nhu cầu của khách mà các hộ dân có thể phục vụ luôn ăn uống, hoặc chỉ lo chỗ ngủ nghỉ cho khách. Tuy nhiên, hầu hết khách đến đây đều muốn ăn uống tại nhà dân và họ rất thích thú được tham gia làm vườn, thu hoạch, nấu nướng cùng người dân.

Với loại hình du lịch homestay này, ngoài số tiền cho thuê phòng với giá khoảng 250.000 - 350.000 đồng/phòng/đêm, đồng bào dân tộc còn có thu nhập từ việc hướng dẫn cho du khách tham quan. Mô hình này còn tạo việc làm cho hàng trăm người trong thôn, bản tham gia phục vụ khách như: Dẫn khách leo núi khám phá, lên núi hái lá thuốc cho khách tắm, ngâm chân…

Tiềm năng du lịch homestay ở Hà Giang là rất lớn, tuy nhiên tỉnh chưa có chiến lược phát triển rõ ràng, chủ yếu vẫn là dân làm tự phát; chưa có sự đầu tư về đội ngũ hướng dẫn viên qua trường lớp, yếu về ngoại ngữ…