Dự đoán ưu ái Obama
Cuộc bầu cử được dự đoán là sẽ có những kết quả sít sao và đầy bất ngờ. Dựa trên dữ liệu từ những cuộc khảo sát do các hãng thăm dò dư luận như Gallup, Rusmussen Reports và Reuters/IPSOS tiến hành ở Mỹ, Đài Tiếng nói nước Nga đã đưa ra dự báo kết quả chung cuộc: Barack Obama thắng Mitt Romney. Theo đài này, kịch bản bỏ phiếu có thể như sau: Với kết quả 55% số phiếu ủng hộ, chủ nhân Nhà Trắng vẫn sẽ là ông Barack Obama. Đối thủ của ông, ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney sẽ nhận được khoảng 45% số phiếu bầu.
Mới đây nhất, kênh CBS và báo The Wall Street Journal cùng Viện Nghiên cứu Marist ngày 3.11 đã công bố kết quả thăm dò, theo đó ông Obama tiếp tục dẫn điểm trước đối thủ tại 2 bang then chốt là Ohio và Florida. Cụ thể, tại bang Ohio, phần thắng tạm nghiêng về Tổng thống Obama với tỷ lệ là 51%-45%. Ở bang Florida, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Obama là 49% trong khi đối thủ Romney chỉ có 47%. Lần lượt có 18 và 29 phiếu đại cử tri nên bang Ohio cùng Florida được xem là những khu vực then chốt đối với kết quả bầu cử ngày 6.11.
Câu hỏi ai trong hai ông Obama và Romney sẽ là tân Tổng thống Mỹ sẽ được giải đáp vào ngày 6.11. |
Mọi dự đoán đang ưu ái ông Obama, điều đó cũng có nghĩa “hồ sơ” của bốn năm tại vị vừa qua của ông Obama cũng đã được dân chúng “soi” rất kỹ. Những việc làm được của ông Obama được liệt kê như sau: Trong cố gắng giúp nền kinh tế đang xuống dốc của Mỹ, ông Obama đã thúc đẩy và được Quốc Hội chấp thuận một kế hoạch kích hoạt kinh tế trị giá 787 tỷ USD. Ông cũng đã thực thi một chương trình cứu nguy cho công nghiệp chế tạo ô-tô đang gặp khó khăn của Mỹ. Ông đã ghi được một thắng lợi lớn về ngoại giao vào năm 2011 khi ông quyết định cho tiến hành một cuộc biệt kích và kết quả là lực lượng Mỹ tiêu diệt được tên trùm khủng bố Osama bin Laden của al-Qaida ở Pakistan. Ông Obama cũng đã rút quân đội My ra khỏi Iraq và đã hứa sẽ rút binh sĩ tác chiến ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014.
Tuy nhiên, tổng thống đã vấp phải nhiều khó khăn trong việc cố gắng hạ giảm tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ và đem lại sự phục hồi toàn vẹn cho nền kinh tế. Những người chống đối cũng quy trách ông về tình trạng thâm hụt ngân sách lên tới 1 ngàn tỷ USD mỗi năm trong thời gian ông tại chức. Ông cũng đã chật vật mới thông qua được các dự luật kể từ khi đảng Cộng hoà chiếm quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2010.
Và cho dù, thường xuyên than phiền về những thất bại quản lý kinh tế của ông Obama thì ứng cử viên Mitt Romney vẫn chưa thực sự dành trọn trái tim của người Mỹ.Ông Obama cũng đã đả kích đối thủ Romney về những kế hoạch cắt giảm thuế dành cho người giàu. Thậm chí, ông còn khẳng định chính sách từ thời 2 cựu tổng thống thuộc đảng Cộng hòa là Ronald Reagan và George Bush dẫn đến cuộc khủng hoảng vừa qua cho nước Mỹ.
Thế giới cùng chờ đợi
Nhưng bất kể rằng ứng viên Barack Obama của đảng Dân chủ hay ứng viên Mitt Romney của đảng Cộng hoà sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới, thì giới chuyên gia vẫn tin rằng đường lối của chính quyền Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không thay đổi. Trong tương lai gần tới, châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò ngày càng to lớn trong chính sách của Mỹ, bởi đây là khu vực mà Mỹ có những đồng minh quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Đài Loan. Đây cũng là khu vực mà Mỹ có đối thủ chính, là Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức mạnh, đối chọi lại chính những nỗ lực chính trị và quân sự của người Mỹ. Dù mang màu sắc chính trị nào, thì tổng thống Mỹ sắp tới cũng phải công nhận rằng từ nay châu Á – Thái Bình Dương là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của cường quốc số một thế giới .
Trong khi đó, dân châu Âu không thể đi bầu trong cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng cũng giống như dân chúng ở những nơi khác, kết quả cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới họ. Từ các vấn đề kinh tế cho tới Iran và cuộc chiến ở Afghanistan, tương lai của Âu châu gắn kết chặt chẽ với Mỹ. Tuy nhiên, hai ứng cử viên đang tranh nhau để giành quyền lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới dường như có những cái nhìn rất khác nhau về Âu châu. Ông Mitt Romney, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, có một cái nhìn tương đối bi quan khi nói rằng: "Tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama muốn biến đất nước chúng ta thành một quốc gia phúc lợi xã hội kiểu Âu châu, một nước mà dân chúng có quyền hưởng thụ nhiều phúc lợi từ chính phủ. Mô thức đó đã không có hiệu quả ở bất cứ nơi nào trên thế giới".
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama có một cái nhìn lạc quan hơn về châu Âu: "Mỗi một bước đều nêu rõ sự thật là châu Âu đang tiến tới chỗ hội nhập nhiều hơn nữa, chứ không phải tan rã, và những vấn đề này có thể được giải quyết và nó cho thấy sức mạnh nền tảng của các nền kinh tế ở châu Âu".
Kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ được thông báo vào tối thứ 3 trong lúc hầu hết người dân ở châu Âu chìm trong giấc ngủ. Khi thức dậy vào sáng thứ tư, họ có thể sẽ đối mặt với một nhân vật quen thuộc và tương đối dễ làm việc chung với nhau. Nhưng cũng có thể họ sẽ đối mặt với một người mới, một người mà họ không được biết gì nhiều và từng có những tuyên bố đã gây ra những mối lo ngại vào lúc đầu.
Quang Minh