Roaming là dịch vụ chuyển vùng quốc tế cho phép thuê bao ở nước ngoài liên lạc về Việt Nam bằng chính số điện thoại vẫn dùng trong nước. Do phụ thuộc vào cước, phí viễn thông thế giới nên giá roaming khá đắt đỏ, dù đã giảm đáng kể so với hồi mới cung cấp.
Trong đó, roaming data là một trong những dịch vụ có cước đắt nhất, thông thường, dùng một Mb, khách hàng đã phải trả hàng trăm nghìn đồng (Hàn Quốc là khoảng 300.000 đồng/1Mb). Chưa kể, tổng cước roaming dữ liệu rất khó kiểm soát. Điều này khiến nhiều người ngại, thậm chí sợ dùng roaming data.
Tuy nhiên, khi các nhà mạng có dịch vụ chuyển vùng dữ liệu quốc tế không giới hạn, mọi chuyện đã khác. Đơn cử như mới đây sang Macao công tác, anh Hoài Nam, quản đốc một phân xưởng sản xuất bánh kẹo dùng tới gần 500 Mb roaming data một ngày để gửi và nhận maquette mẫu sản phẩm mà chỉ tốn 249.000 đồng (chưa thuế). Tính ra, một Mb roaming chưa đến 500 đồng.
Anh Nam cho biết, trước khi đi công tác đã đăng ký dịch vụ roaming data không giới hạn của MobiFone, theo đó, anh có thể dùng thoải mái dung lượng Internet mỗi ngày qua di động, iPad... bằng sim của nhà mạng này mà cước tối đa chỉ 249.000 đồng. Nếu dùng ít hơn hạn mức đó, anh vẫn được tính phí theo giá hiện hành. Dịch vụ này đang đã được MobiFone áp dụng tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ: Singapore, HongKong, Macau, Trung Quốc, Hàn Quốc và Campuchia.
“Trước khi sang Macau nửa tháng, tôi đến Campuchia, chưa biết gói này của MobiFone để đăng ký nhưng may nhà mạng có chính sách tự kích hoạt cho thuê bao đến hết năm nay. Nhờ thế mà tôi dùng tới vài trăm Mb mỗi ngày mà cước chỉ gần 273.000 đồng mỗi ngày, bao gồm cả thuế, chứ không bị đội tiền triệu như trước”, anh nói.
Một số dịch vụ viễn thông quốc tế khác cũng được giảm giá mạnh. Phí nhận SMS roaming đã được 3 đại gia di động miễn phí thay cho mức 500 đồng như trước đây.
Không chỉ roaming, cước quốc tế từ Việt Nam liên lạc ra nước ngoài nhiều năm qua cũng bình dân hơn. Từ vài chục nghìn đồng mỗi phút gọi ra nước ngoài, hiện, với đại bộ phận các nhà mạng, phí dịch vụ này chỉ còn 3.600 đồng. Mới đây, “trình làng” gói cước Tỷ phú 3, Gmobile còn tạo cú sốc với cước gọi tới 20 quốc gia trên thế giới chỉ 1.350 đồng cho một phút thoại.
Nguyên giám đốc một hãng viễn thông lớn cho biết, lâu này, cước roaming, cước gọi đi quốc tế đắt bởi ngoài chi phí sóng, cơ sở vật chất, phí kết nối liên mạng như dịch vụ trong nước, doanh nghiệp phải trả những khoản tiền rất lớn cho phí viễn thông quốc tế. Theo đó, dù rất muốn hạ giá để cạnh tranh, nhiều đơn vị phải loay hoay, tính cách rất lâu mới có thể thực hiện được, do phải cân nhắc giữa khoản tiền thu về và chi phí bỏ ra.
Ông cho rằng, cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế mà giá quá rẻ sẽ đem lại doanh thu thấp. Tuy nhiên, đổi lại, nếu nhà mạng bình dân hóa được dịch vụ để ngày càng có nhiều người dùng thì lãi thu về theo số lượng sẽ không nhỏ.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực viễn thông lại cho rằng hạ giá dịch vụ để kéo thuê bao là tất yếu. Bởi một mô hình kinh doanh sẽ “chết yếu” nếu giữ mãi thế hạng sang, chỉ dành cho một bộ phận số ít người dùng chứ không được đại bộ phận công chúng tiếp nhận. Do vậy, cách duy nhất để dịch vụ quốc tế phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn là hạ cước để người người, nhà nhà được tiếp cận và dùng dịch vụ.
“Giá hôm nay có thể bạc cắc, doanh nghiệp có thể lãi ít nhưng họ mang được dịch vụ vào từng gia đình. Phải tạo điều kiện cho thuê bao dùng thử thì họ mới biết ra sao để thích, hiểu là cần thiết và hữu ích thế nào, có vậy mới lôi kéo được khách hàng. Tính về lâu dài, lãi thu về từ lượng người dùng đông đảo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, khả năng phát triển dịch vụ cũng bền vững hơn”, ông nói.
Nguyễn Sơn