Do khuôn khổ tờ báo có hạn, chúng tôi xin tạm ngừng chuyên đề Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại đây. Các bài viết, ý kiến, phản hồi chưa được sử dụng, chúng tôi sẽ xem xét và đăng trong thời gian thích hợp. Để kết thúc cho chuyên đề này, NTNN xin giới thiệu ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức - trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Công ty Luật BASICO.
Thời gian qua, việc thu hồi đất cho nhiều dự án đã làm nảy sinh mâu thuẫn về mức bồi thường (ảnh minh họa). |
Bất hợp lý trong thu hồi, bồi thường đất
Ở Điều 52 về “Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai” liệt kê 8 trường hợp thu hồi đất nhưng vẫn chưa rõ và chưa hợp lý, có thể dẫn đến không thực thi được trên thực tế. Chẳng hạn điểm a, khoản 1, quy định thu hồi đất trong trường hợp “Sử dụng đất không đúng mục đích” là quá chung chung. Nếu đất trồng lúa mà bị sử dụng vào việc trồng cây hàng năm khác thì cũng là trái mục đích, tuy nhiên khó có thể bị liệt vào trường hợp bị thu hồi đất. Ngược lại, đất trồng cây hàng năm khác hoặc trồng cây lâu năm mà sử dụng vào mục đích trồng lúa thì cũng là trái mục đích. Tuy nhiên, việc đó không đáng bị cấm mà thậm chí còn được khuyến khích để chuyển đổi mục đích.
Việc thu hồi đất trong trường hợp không sử dụng đất trong một thời hạn nhất định cũng còn nhiều điểm bất hợp lý. Điểm g và h, khoản 1, Điều 52 về “Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai” quy định thu hồi trong trường hợp đất không được sử dụng trong 12 tháng liền đối với đất trồng cây hàng năm; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư (hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư); trong thời hạn 18 tháng liền đối với đất trồng cây lâu năm; 24 tháng liền đối với đất trồng rừng.
Trên thực tế quy định này không có mấy ý nghĩa, trong bối cảnh để chuẩn bị thủ tục cho một dự án đầu tư thường mất nhiều năm và tiến độ dự án chậm nhiều năm là phổ biến, vì quá nhiều lý do. Đặc biệt dự án đang triển khai dang dở mà bị thu hồi vì lý do như vậy thì sẽ vô cùng khó khăn, rắc rối trong việc tính tiền và chuyển giao.
Thậm chí, nếu cứ thực hiện đúng luật, thì chỉ mang đến kết quả là chậm tiến độ hơn nhiều năm, kém hiệu quả hơn và lãng phí hơn. Vì vậy, nên bỏ quy định này hoặc giữ lại một số thì cần kéo dài thời hạn lên gấp khoảng 3 lần so với quy định hiện hành cũng như trong dự thảo.
Cần quy định thêm về thời hạn giao đất
Trong điều 50 về “Đất sử dụng có thời hạn” quy định thời hạn giao đất để sản xuất, kinh doanh bình thường là 50 năm. Đây không phải là quy định hợp lý nhất, mà nên quy định rõ, cứ hết mỗi thời hạn giao đất thì sẽ mặc nhiên được quyền tiếp tục kéo dài thêm 50 năm, còn các trường hợp bị thu hồi (nếu có) thì theo quy định chung. Quy định như vậy để sau này chỉ phải giải quyết các trường hợp cá biệt thay vì phải làm lại toàn bộ thủ tục cho các trường hợp phổ biến.
Về “Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” tại khoản 1, Điều 68 quy định: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành. Nếu quy định như vậy là tiếp tục duy trì tình trạng quá bất công, vô lý, thiệt thòi quá lớn cho người bị thu hồi đất trong hàng chục năm qua.
Còn điểm a, khoản 1, Điều 96 về “Nguyên tắc và phương pháp định giá đất” vẫn quy định: Giá đất do Nhà nước quyết định phải đảm bảo nguyên tắc “Phù hợp với giá thị trường”. Đây chỉ là một điều luật tuyệt vời trên giấy, còn trong các vụ việc nhức nhối về bồi thường thì các cơ quan nhà nước luôn khẳng định đã làm đúng luật, đúng nguyên tắc này, chỉ có điều giá bồi thường thì chỉ bằng một phần nhỏ so với giá thực tế. Như vậy thì hàng triệu người dân vẫn tiếp tục lo sợ có thể rơi vào khó khăn, thiệt thòi nếu không may bị thu hồi đất, cho dù vì bất cứ mục đích gì.
Ông Phan Văn An (Mỹ Đức, Hà Nội): Luật phải phù hợp với thực tế hơn
Những năm gần đây, nhiều cán bộ địa phương lợi dụng kẽ hở và thiếu sót của Luật Đất đai hiện hành để cấp đất, thu hồi và đền bù không đúng… Tỉnh, thành nào cũng có người dân đi khiếu kiện. Theo tôi, Luật Đất đai cần phải sửa đổi lại cho phù hợp với thực tế hơn, công bố và lấy ý kiến của toàn xã hội; Luật đã ban hành rồi thì cứ theo luật mà làm. Cán bộ địa phương phải được học về luật, thực thi đúng luật, cố ý làm sai luật thì phải xử thật nặng. Bên cạnh đó người dân cũng cần phải hiểu biết về Luật Đất đai, tránh khiếu kiện không đúng gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội.
Ông Nguyễn Hà (Gia Viễn, Ninh Bình): Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ
Những năm gần đây, việc thu hồi và đền bù đất đai còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân và xã hội. Một trong những nguyên nhân là do một số lãnh đạo địa phương thiếu tính minh bạch: Thiếu công khai dân chủ, đền bù với giá không đúng quy định, thiếu công bằng trong đền bù giữa các hộ dân trên cùng một loại đất thu hồi... Nhiều cán bộ địa phương còn cố ý làm sai để tham ô, trục lợi. Vì vậy, việc thu hồi và đền bù cần phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cấp quản lý. Khi có đơn thư khiếu nại thì phải thanh tra và trả lời theo đúng quy định của luật.
Trần Thụ (ghi)
Đình Thắng (ghi)