Chưa có cuộc bầu cử Tổng thống nào khó đoán định kết quả chung cuộc như bầu cử Tổng thống Mỹ lần này. Hai ứng cử viên là đương kim Tổng thống Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đều được đánh giá là ngang ngửa nhau.
Điểm bỏ phiếu đầu tiên trên nước Mỹ là thị trấn Dixville Notch thuộc tiểu bang New Hampshire. Trong số 10 cử tri đi bỏ phiếu, năm người chọn Tổng thống Barack Obama và năm người bỏ phiếu cho ông Mitt Romney.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Dixville Notch kết quả bầu cử là hòa nhau. Năm 2008, ông Obama đã đánh bại ứng viên Cộng hòa John McCain ở đây với tỉ số 15-6. Nằm ở cực bắc New Hampshire, Dixville Notch nổi tiếng khắp nước Mỹ với việc các cử tri đi bỏ phiếu ngay từ sau nửa đêm. Đến khoảng 20 giờ đêm 6.11 (theo giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu khác ở nước Mỹ mới đồng loạt mở cửa, bắt đầu ngày bầu cử chính thức.
Người Mỹ ủng hộ ông Obama tụ tập ở Wisconsin ngày 5.11. Ảnh Reuters. |
Các Tổng thống Mỹ được bầu lên qua một loạt cuộc tranh đua tại từng tiểu bang trong một hệ thống đại cử tri đoàn đã tồn tại suốt hai thế kỷ nay, trong khi tầm ảnh hưởng của mỗi tiểu bang đối với kết quả bầu cử chủ yếu phụ thuộc vào dân số của mỗi bang. Mỗi tiểu bang có một số phiếu cử tri đoàn nhất định, và mục tiêu của các ứng cử viên là thâu tóm thắng lợi tại đủ bang để đoạt đa số là 270 phiếu trong tổng cộng 538 phiếu cử tri đoàn.
Kết quả tổng hợp của nhiều cuộc thăm dò cho thấy hai ứng cử viên Tổng Thống Mỹ đang tham dự một cuộc chạy đua khít khao trên toàn quốc. Nhưng các cuộc thăm dò từng tiểu bang cho thấy Tổng Thống Obama dẫn đầu một khoảng cách ngắn, nhưng đều đặn tại các bang nơi hai bên tranh đua gắt gao nhất, là những bang có phần chắc sẽ quyết định kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử. Bên cạnh cuộc chạy đua để giành chiếc ghế tổng thống, tất cả 435 ghế tại Hạ Viện Hoa Kỳ cùng với 33 ghế tại Thượng viện, gồm tất cả 100 ghế, cũng sẽ được định đoạt trong cuộc bầu cử này.
Với người Mỹ khi xướng tên người chiến thắng là Barack Obama hay Mitt Romney, thì niềm tin của họ cũng chỉ hướng về một tương lai nước Mỹ rạng ngời hơn. Người Mỹ hi vọng, trong bốn năm tới, nước Mỹ sẽ đi đến những vùng sáng của phát triển kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập người dân tăng cùng với những phúc lợi xã hội mang lại điều kiện sống tốt hơn cho họ. Cả hai ông Obama và Romney đều đã hứa và sau khi ngày bầu cử kết thúc là lúc nhà lãnh đạo siêu cường số 1 thế giới phải thực hiện lời hứa này với dân.
Trong khi đó, bàn về chính sách và ảnh hưởng chính sách của chính quyền mới ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 6.11 đối với châu Á, giới phân tích hầu hết cho rằng, tân chủ nhân của Nhà Trắng đều không thay đổi chính sách xích lại gần châu Á- Thái Bình Dương. Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Indonesia, Rizal Sukma, cho rằng dù ông Obama hay ông Romney đắc cử Tổng thống Mỹ, thì Nhà Trắng cũng không thể bỏ qua châu Á. Các nước châu Á sẽ tiếp tục phải xử lý thách thức chiến lược bắt nguồn từ sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực.
Ông Sukma lập luận, chưa bao giờ và chắc chắn là không có câu hỏi liệu Mỹ sẽ ở lại hoặc rời khỏi châu Á. Mỹ chưa bao giờ rời châu Á. Mỹ luôn luôn là "ở trong" châu Á và sẽ tiếp tục như vậy. Dù sắp tới ông chủ Nhà Trắng sẽ là Obama hay Romney, Mỹ không thể rời khỏi châu Á, thậm chí ngay cả khi chính quyền nước này muốn làm điều đó. Châu Á quá quan trọng để Mỹ không thể bỏ qua, ngay cả khi Mỹ đang đối mặt với những thách thức ở nơi này nơi khác trên toàn thế giới. Bởi vậy, đối với châu Á, câu hỏi thật sự chính là bản chất của vai trò và sự hiện diện của Mỹ ở châu Á.
Quang Minh