Dân Việt

“Cởi trói” cho chương trình bình ổn giá

09/03/2011 09:12 GMT+7
(Dân Việt) - Nguyên liệu đầu vào tăng giá đang khiến các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM đau đầu tính toán việc sản xuất, kinh doanh để không đứt nguồn hàng.

Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, đầu vào sản xuất hiện tăng mạnh, chẳng hạn, giá heo hơi đã trên 40.000 đồng/kg. Vissan có nhiều trang trại nuôi heo nhưng không đủ bù chi phí bán hàng theo giá cam kết vì giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Trong khi đó các sản phẩm của Vissan bán ra thấp hơn thị trường 10% kéo dài đến hết tháng Ba, đang đẩy công ty vào tình thế thâm dụng tài chính.

Theo bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty Ba Huân, một trong các công ty tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM, đáng lẽ lãnh đạo thành phố nên uyển chuyển cho doanh nghiệp điều chỉnh giá theo diễn biến thị trường, dĩ nhiên vẫn thấp hơn giá bên ngoài 10% thì doanh nghiệp khi phải đối mặt với giá nguyên vật liệu tăng mạnh không đến nỗi gặp khó.

img
Để có nguồn hàng dồi dào và thấp hơn thị trường, các doanh nghiệp đang gồng mình giữ giá.

Vẫn cung cấp đủ hàng và giá như cam kết, nhưng ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cảm thấy khó xoay xở vì xăng tăng gần 18%, nguyên vật liệu tăng thêm 10%. "

Với những biến động trên, kế hoạch kinh doanh của chúng tôi phải thay đổi, nhưng việc "cứng hóa" giá cả như hiện nay đối với các đơn vị tham gia bình ổn giá e rằng không chịu đựng được lâu"- ông Thiện than thở.

Còn theo ông Mười, nên có một lộ trình điều chỉnh giá theo cách san sẻ chi phí mà doanh nghiệp, người dân và Nhà nước mỗi bên chịu một ít. Khi đó doanh nghiệp sẽ đỡ lỗ, mà người dân cũng có hàng hóa với mức giá phải chăng.

Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, hiện không có dấu hiệu hàng bình ổn giá bị cung cấp gián đoạn. Theo như cam kết của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá với UBND TP.HCM thì doanh nghiệp sẽ cung cấp hàng hóa với giá thấp hơn thị trường 10% cho đến hết ngày 31.3.2011 và đến nay chưa thấy doanh nghiệp nào rút chân ra khỏi chương trình này.

"Đúng là các doanh nghiệp có gặp khó khăn do biến động mạnh chi phí nhưng mới diễn ra trong thời gian ngắn, nên tác động đến doanh nghiệp chưa lớn. Chương trình bình ổn giá năm 2010 và Tết Tân Mão sắp kết thúc, nên doanh nghiệp cố gắng tiết giảm chi phí để hàng hóa có giá phù hợp cung ứng cho thị trường" - bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết.