Quân đội chính phủ chiếm lợi thế
Theo Tân Hoa xã, phe nổi dậy đã gửi tối hậu thư cho Tổng thống Libya Gaddafi trong đó nói không truy tố bất cứ hành động đàn áp nào của Chính phủ Libya trong hơn tuần qua đối với người biểu tình, nếu như nhà lãnh đạo này từ chức trong vòng 72 giờ tới.
Phát biểu trên Kênh truyền hình Arập Al-Jazeera đêm 8.3, Mustafa Abdel Jalil, cựu Bộ trưởng Tư pháp, đồng thời là người đứng đầu Hội đồng Quốc gia Libya lâm thời do phe đối lập nắm quyền ở phía Đông Libya, nói: "Nếu Gaddafi rời khỏi Libya trong vòng 72 giờ tới và ngừng các chiến dịch oanh tạc, nhân danh người dân Libya, chúng tôi sẽ không truy tố ông ta về các tội ác đã gây ra".
Ông Jalil cũng cho biết, Tổng thống Gaddafi sẽ được phép giữ lại mọi tài sản và không bị khởi tố.
Trong khi đó, giao tranh giữa lực lượng trung thành với ông Gaddafi và quân nổi dậy vẫn tiếp diễn ác liệt tại nhiều thành phố. Ngày 9.3. nhà lãnh đạo Libya đã kêu gọi người dân đứng lên bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ lâm vào một cuộc nội chiến.
Quân đội Libya, được sự hỗ trợ của xe tăng và trực thăng chiến đấu đã tiếp tục chiến dịch phản công quy mô lớn, mở nhiều đợt không kích mới và nã pháo vào các vị trí của quân nổi dậy tại nhiều khu vực như cảng dầu Ras Lanuf và thị trấn Zawiyah cách thủ đô Tripoli 50km.
Theo các nhân chứng, có khoảng 50 xe tăng và 120 xe tải gắn súng máy được huy động thực hiện 3 đợt tấn công vào Zawiya. Phóng viên AP cho biết, lực lượng của ông Gaddafi dường như đã giành được thế chủ động trong khi quân nổi dậy đang bị phân tán thành các nhóm nhỏ và đẩy vào sâu trong sa mạc. Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính, cuộc xung đột trong 3 tuần qua tại Libya đã làm hơn 1.000 người thiệt mạng và 200.000 người phải di tản.
NATO cân nhắc các lựa chọn quân sự
Tờ "Bưu điện Washington" ngày 9.3 dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, Mỹ và các nước đồng minh NATO đang cân nhắc tính pháp lý của việc áp đặt một vùng cấm bay tại Libya mà không cần sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an LHQ.
Theo các quan chức trên, trong bối cảnh một sự ủy thác của LHQ vẫn còn xa vời, các nước như Mỹ, Anh, Pháp, và Italia vốn đang cân nhắc một số biện pháp can thiệp quân sự, đang tìm kiếm những sự ủng hộ quốc tế khác.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rõ bất cứ quyết định nào nhằm áp đặt một vùng cấm bay ở Libya đều phải do LHQ đưa ra, chứ không phải Mỹ. Tuyên bố này được cho là khẳng định quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ B.Obama rằng bất kỳ hành động quân sự nào chống Libya đều phải được hợp pháp hóa và có sự phối hợp quốc tế.
Ngoài việc áp đặt vùng cấm bay, Mỹ và NATO cũng đang cân nhắc một loạt các biện pháp quân sự mà không cần tới một nghị quyết của LHQ, chẳng hạn như thành lập một cầu hàng hải hay hàng không để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Libya và giám sát đường biển nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí cho Chính phủ Libya.
Gia Khánh