Đây được coi là ý tưởng độc đáo, lãng mạn nhưng có tính khả thi, có thể giúp Huế biến cái bất lợi thành cái có lợi.
Mưa: Tài nguyên du lịch
Thừa Thiên - Huế được coi là “trung tâm mưa” lớn nhất nước. Mưa ở Huế không giống bất kỳ nơi nào khác ở VN, kéo dài lê thê, dầm dề. Lượng mưa trung bình ở tỉnh khoảng 2.800mm/năm, trong đó vùng núi Nam Đông - Bạch Mã là tâm mưa, trung bình trên 3.400- 4.000mm/năm, có khi trên 5.000mm/năm. Trong khi mưa Huế ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế khác thì ngành du lịch tỉnh này lại có vẻ… ăn nên làm ra.
Mưa Huế liệu có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo? |
Theo ông Noel Rousset - du khách Pháp, mùa mưa ở Huế là mùa đông ở Pháp, ông thường đến Huế tránh rét và thưởng thức "đặc sản" mưa có một không hai ở đây. "Nhưng tiếc là vẫn chưa có tour, tuyến nào phù hợp để du khách có thể thưởng thức mưa Huế, hướng dẫn viên cũng không hiểu biết về mưa" - ông Noel Rousset băn khoăn.
Ông Phan Quốc Vinh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Du lịch DMZ Huế cũng cho biết, khách đến Huế vào mùa mưa đông hơn nhiều mùa hè. "Tuy nhiên, ngoài đưa khách đi tham quan di tích, lăng tẩm và nghe ca Huế thì các dịch vụ, sản phẩm đi kèm rất ít, nên chúng tôi chỉ giữ chân khách được 1-2 ngày" - ông Vinh nói.
Thống kê của Sở VHTTDL cho thấy khách quốc tế đến Huế đông vào mùa mưa và thưa vào mùa nắng nóng. Thấy được sức cuốn hút của mưa Huế đối với du khách, tỉnh đã có ý tưởng biến mưa thành sản phẩm du lịch. Hiện Sở VHTTDL tỉnh đang lấy ý kiến các nhà làm du lịch, nhà quản lý và các chuyên gia trong và ngoài nước về ý tưởng độc đáo này.
Sẽ tạo một “làng mưa”?
Theo GS Tay Kheng Soon của Singapore, cần xây dựng một "làng mưa" tại bờ sông Hương đoạn phường Thủy Biều, TP.Huế. Bởi lẽ, có làng mưa thì du khách mới không bị ảnh hưởng của mùa mưa lụt, có các hành lang đi lại trong mùa mưa.
Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế
Ở "làng mưa" sẽ có nhà rường, có hành lang nối kết, vườn cây và nhiều hình thức giải trí khác nhau như ca Huế, nhã nhạc, thời trang… Đặc biệt, nhà hàng ở "làng mưa" phải có khung kính để tạo nên một "thành phố mưa", đem lại sự gần gũi giữa du khách và mưa. GS Tay Kheng Soon quả quyết: "Làm như vậy du khách sẽ thấy được sức quyễn rũ kỳ lạ của mưa Huế".
Ông Phan Quốc Vinh cũng cho rằng, để mưa Huế thành sản phẩm du lịch, cần có sự tham gia của người dân với vai trò quyết định, giới thiệu về mưa Huế để du khách cảm thấy thích thú về "cảm giác mưa". Nhiều ý kiến trao đổi với NTNN cũng gợi mở, cùng với việc lấy mưa làm sản phẩm du lịch, phải có những dịch vụ đi kèm khác như ngắm mưa, xem lấy nước mưa để pha trà sen cho du khách thưởng thức…
Đa phần giới làm du lịch cho rằng biến mưa Huế thành sản phẩm du lịch là rất khả thi. Vấn đề là các cơ sở dịch vụ du lịch phải biết tạo ra sản phẩm mùa mưa khác với mùa nắng, nhất là phải làm sao cho du khách thấy được sức cuốn hút kỳ lạ của mưa Huế.
An Sơn