Dân Việt

Nhật Bản: Tokyo tê liệt, ít nhất 400 người thiệt mạng

12/03/2011 07:33 GMT+7
(Dân Việt) - Trận động đất với cường độ 8,9 độ richter đã làm rung chuyển khu vực phía Bắc Nhật Bản, gây ra sóng thần tàn phá nhiều khu vực, làm gần 400 người chết (tính đến 23 giờ ngày 11.3).

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, trận động đất xảy ra khoảng 14 giờ 46 phút (giờ địa phương) và kéo dài tới vài phút. Tâm chấn động đất ở địa điểm cách thủ đô Tokyo 382km về phía Đông Bắc, nhưng người dân thủ đô Nhật Bản vẫn cảm nhận rõ dư chấn cực lớn.

img
Nhiều công trình hạ tầng ở thủ đô Tokyo đổ nát do trận động đất.

Dân chúng hoảng sợ

Theo mô tả của hãng tin Mỹ CNN, từ khắp các cao ốc ở Tokyo, người dân hoảng hốt tháo chạy ra đường sau khi trận động đất làm rung lắc mạnh các tòa nhà cao tầng. Những người chưa kịp chạy trốn phải nấp dưới những vật che chắn để tránh các mảng đất đá sập xuống.

Đài Truyền hình Nhật Bản NHK cho biết, động đất đã khiến sân bay Narita ở Tokyo phải tạm ngừng hoạt động để kiểm tra đường băng, trong khi cảng chính của thành phố cũng bị đóng cửa. Nhiều tuyến tàu cao tốc và tàu điện ngầm ở Đông Bắc Nhật Bản bị gián đoạn.

Toàn bộ 9 đường ray thuộc hệ thống tàu điện ngầm tại Tokyo, chuyên chở hơn 6 triệu khách mỗi ngày, cũng đã tê liệt. Hai nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Miyaghi và tỉnh Fukushima tạm ngừng hoạt động.

Động đất mạnh khiến thành phố Sendai và một phần thủ đô Tokyo bị mất điện trên diện rộng. Các đám cháy xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trên đảo Honshu, trong đó có Tokyo và tỉnh Miyaghi. Một nhà máy thép và một nhà máy lọc dầu gần Tokyo đã bốc cháy dữ dội sau khi xảy ra động đất.

img
Tường đổ đè một loạt ôtô tại TP. Mito (tỉnh Ibaraki)

Sóng thần tấn công các thị trấn ven biển

Ngay sau trận động đất, một cơn sóng thần cao tới 10m đã lập tức hình thành và tràn vào tấn công các thị trấn ven biển phía đông bắc Nhật Bản.

Tại thành phố Sendai, thủ phủ tỉnh Miyaghi, sóng thần đã cuốn trôi nhiều ô tô và làm hư hỏng nhiều tòa nhà dọc bờ biển. Sóng thần cao 6m cũng tràn vào hòn đảo Honshu trong khi tại tỉnh Iwate cũng xuất hiện sóng thần cao tới 4m. Ở thành phố Onahama thuộc tỉnh Fukushima, nhiều ô tô, nhà cửa cũng bị sóng thần cuốn trôi.

Các nhân chứng cho biết: "Chúng tôi phải tháo chạy lên các tòa nhà cao tầng để tránh sóng. Trên đường phố, hàng chục xe cộ bị cuốn trôi nằm ngổn ngang". Còn ở thành phố cảng Kamaishi, chỉ có những con tàu tải trọng lớn mới trụ vững trước sức tấn công mãnh liệt của sóng thần, còn tàu thuyền nhỏ hơn bị cuốn lật nhào.

img
Sóng thần tàn phá một thị trấn ven biển ở tỉnh Miyagi.

Lệnh cảnh báo theo dõi sóng thần đã được ban bố tại Nga, quần đảo Mariana, Guam, Đài Loan (Trung Quốc), Philippinnes, Indonesia và Hawaii (Mỹ). Theo Ria Novosti, đợt sóng thần đầu tiên hình thành sau trận động đất đã tràn vào quần đảo Kuril, buộc các cơ quan chức năng của Nga trên đảo Sakhalin phải khẩn cấp sơ tán khoảng 11.000 người khỏi khu vực bờ biển.

Cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan cũng đã sơ tán công dân khỏi bờ biển phía đông hòn đảo này sau khi cảnh báo sóng thần được ban bố. Cùng ngày, Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippinnes (Phivolcs) đã nâng mức cảnh báo sóng thần. Chính phủ Philippinnes yêu cầu người dân sống tại bờ biển Thái Bình Dương ở nước này phải "lùi sâu vào trong nội địa".

Nhà chức trách trên đảo Hawaii cũng yêu cầu người dân đảo sơ tán khỏi khu vực bờ biển trong bối cảnh cảnh báo sóng thần đã được thông báo khắp khu vực Thái Bình Dương.

Nôi các Nhật họp khẩn cấp

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan thừa nhận trận động đất đã gây thiệt hại lớn cho khu vực Đông Bắc Nhật Bản, song cho biết các cơ sở điện hạt nhân ở khu vực này không bị ảnh hưởng và chưa phát hiện vụ rò rỉ hạt nhân nào.

Tân Hoa xã cho biết, tính đến sáng 11.3, đã có ít nhất 25 người chết, 250 người bị thương, trong đó có 134 trường hợp nghiêm trọng, hơn 1.000 nhà cửa bị sập sau trận động đất 5,8 độ richter ở huyện Doanh Giang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào trưa ngày 10.3. Bộ Nội vụ Trung Quốc thông báo, hơn 127.000 người đã được sơ tán đến các khu tạm trú. Khoảng 9.700 lều bạt, 15.000 chăn bông, 15.000 áo khoác được chính phủ cấp cho người dân mất nhà cửa. Hơn 1.000 binh sĩ đã đến để làm công tác cứu hộ.

Tuy nhiên, các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 đã báo cáo về một số hiện tượng bất thường, sau khi hệ thống làm mát lõi các lò phản ứng trong trường hợp khẩn cấp đã ngừng hoạt động. Thủ tướng Kan kêu gọi người dân bình tĩnh và theo dõi thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết, Chính phủ nước này đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và phái Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tới tỉnh Miyaghi để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã điều 8 máy bay tới đánh giá thiệt hại tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Các tàu quân sự ở căn cứ Yokosuka, cách thủ đô Tokyo khoảng 40km, cũng đã được lệnh tới tỉnh Miyaghi. Cơ quan cảnh sát quốc gia đã lên kế hoạch cử 900 nhân viên tới các khu vực bị ảnh hưởng.

Chính phủ Nhật Bản đã thành lập nhóm quản lý thảm họa có trụ sở đặt tại Văn phòng Thủ tướng để thu thập thông tin về trận động đất và xử lý các thảm họa có thể có. Theo CNN, gần 400 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tính đến 23 giờ 11.3 (giờ VN).

Con số nạn nhân thiệt mạng chắc chắn sẽ còn tăng do nhà chức trách tại các nơi xảy ra động đất vẫn đang đánh giá thương vong và thiệt hại sau thảm họa. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã xác nhận các công dân nước ngoài tại nước này vẫn an toàn.

Một số trận động đất có cường độ lớn trong lịch sử:

Chile (5.5.1960): Động đất 9,5 độ richter rung chuyển bờ biển miền nam khiến 1.600 người thiệt mạng và làm 2.000.000 người mất nhà cửa.

Alaska, Mỹ (27.3.1964): Động đất 9,2 độ richter và sóng thần làm 128 người chết, gây thiệt hại nghiêm trọng ở thành phố lớn nhất bang, Anchorage.

Nga (4.11.1952): Động đất 9 độ richter ở ngoài khơi bờ biển bán đảo Kamchatka, viễn đông Nga, gây sóng thần rộng khắp Thái Bình Dương.

Peru (13.8.1868): Động đất 9,0 độ richter, thành phố cảng Arica bị tàn phá nghiêm trọng mặc dù tâm chấn động đất nằm cách nơi này tới 1.400km.

Ecuador (31.1.1906): Động đất 8,8 độ richter, xảy ra ngoài khơi Ecuador và Colombia, cảm nhận được dư chấn ở tận San Francisco.