Dân Việt

Trung thực hay không - không rõ (?)

09/11/2012 09:05 GMT+7
(Dân Việt) - “Số liệu trung thực hay không, chúng tôi không trả lời được”. Đó là câu trả lời phóng viên của đơn vị làm bản đánh giá tác động môi trường Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, trong cuộc họp báo sáng 8.11, tại Hà Nội.

Tỉnh Đồng Nai thiếu thông tin?

Thời gian qua, có nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư) sẽ phá hủy trên 327ha rừng – nơi có 850 loài thực vật bậc cao và hàng chục loại gỗ quý với trữ lượng rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái, môi trường...

 img
Ông Bùi Pháp (trái) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đại diện chủ dự án trả lời báo chí tại buổi họp báo.

Mới đây, đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai đã kiến nghị Quốc hội không cho phép thực hiện 2 dự án thủy điện này bởi ngoài việc sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực, thì còn không đủ cơ sở pháp lý, thậm chí là vi phạm pháp luật vì dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 49 của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN về quan điểm của chủ đầu tư về vấn đề này, ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai nói: Việc dự án này có trình Quốc hội và có được Quốc hội thông qua hay không là do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư dự án không có trách nhiệm về chuyện này.

“Trong trường hợp dự án này được thông qua, nếu mức độ ảnh hưởng của dự án này lớn hơn 372,23ha thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào trước Quốc hội, Chính phủ và người dân?” - phóng viên NTNN đặt câu hỏi. Tuy nhiên, ông Bùi Pháp đã không trả lời.

Liên quan tới tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đã đăng ký làm việc với Đồng Nai rất nhiều lần từ năm 2011, chúng tôi cũng đã làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và làm rõ những vấn đề này, chúng tôi mong họ hỗ trợ cho dự án. Tôi nghĩ phía tỉnh Đồng Nai chưa có đủ thông tin về dự án này.

Phóng viên NTNN đặt vấn đề: Vì sao trong bản ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường) của dự án này khi trình hội đồng thẩm định thì hội đồng buộc chủ đầu tư phải làm lại để chỉnh sửa và bổ sung thêm, có phải do làm sơ sài, thiếu nhiều thông tin không?

Ông Bùi Pháp giải thích: ĐTM mà chúng tôi gửi Bộ TNMT hoàn toàn không có sao chép, Bộ trả lại ĐTM vì dự án được phê duyệt từ tháng 9.2009, dự án lấy 235ha rừng phòng hộ, như thế là đủ điều kiện để Chính phủ và các bộ, ban ngành cho phép triển khai dự án. Nhưng tháng 8.2010, Nghị quyết 49 của Quốc hội ra đời với nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng 50ha rừng phòng hộ, 50ha rừng đặc dụng là phải trình Quốc hội quyết định. Do đó, chúng tôi phải làm lại ĐTM và giờ đã trình Bộ TNMT thẩm định.

“Không thể trả lời”

Một vấn đề các phóng viên cũng quan tâm là theo tính toán, nếu đập Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vỡ thì sẽ làm ngập hơn 7.000ha vùng hạ du. Tuy nhiên, hiện nay trong ĐTM chưa có phương án đối phó khi vỡ đập. Mặt khác, 2 đập thủy điện này nằm gần các dãy đứt gãy, có thể xảy ra động đất cấp 7, nhưng trong ĐTM không có nghiên cứu về việc này...

Vấn đề này được ông Nguyễn Văn Phước – Viện trưởng Viện Môi trường & Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - đơn vị được thuê làm báo cáo ĐTM giải đáp rằng: Chúng tôi đã đánh giá nếu vỡ cả 2 đập thì cũng chỉ bằng trận lũ lịch sử năm 2006 thôi, sai số không đáng kể. Nhưng xác suất vỡ cả 2 đập rõ ràng là rất ít.

Phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM hỏi: Báo cáo ĐTM làm lại gửi Bộ TNMT không khác gì mấy so với lần 1. Chủ đầu tư có khẳng định tính chính xác minh bạch trong ĐTM lần này không? Ông Nguyễn Văn Phước trả lời rằng, việc đó để Hội đồng thẩm định của Bộ TNMT xác nhận, nếu Hội đồng đó công nhận thì tức là số liệu đó đúng. “Hội đồng cũng đã chọn những đơn vị độc lập để thẩm định những số liệu trong ĐTM của chủ đầu tư. Giờ nếu nói nó trung thực hay không thì chúng tôi cũng không thể trả lời được” - ông Phước nói.

Nhiều đề nghị dừng thực hiện

Liên quan đến Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, trước và sau cuộc họp báo trên, nhiều ý kiến đã lên tiếng đề nghị cần dừng triển khai.

ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) khi được hỏi đã nói thẳng: “Nên dừng”. Theo ông, những dự án chỉ nhằm thu lợi ích trước mắt, ăn xổi ở thì, tàn phá môi trường tự nhiên để sau này con cháu phải gánh hậu quả thì không nên làm, nhất là những dự án thủy điện tác động tới yếu tố tự nhiên quá lớn như phải phá rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia…

“Hiện nay chúng ta đã phải trả giá đắt cho phong trào “nhà nhà làm thủy điện, ngành ngành làm thủy điện”. Cái gì mà làm trái với quy luật tự nhiên thì sẽ bị tự nhiên trừng phạt thích đáng”- ông Đương nói.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng bày tỏ: “Cá nhân tôi cũng ủng hộ việc dừng dự án vì qua những thông tin tôi nắm được, dự án này trước mắt sẽ làm mất đi hơn 300ha rừng ở khu vực rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của nước ta. Tôi đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương rằng, có trở ngại gì mà lại không đình chỉ và bỏ đi 2 dự án đó, nhưng giờ tôi vẫn chưa nhận được trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng”.

Cũng quan điểm đó, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) thẳng thắn: “Nên dừng lại vì 2 dự án này ảnh hưởng lớn đến môi sinh. Phá rừng để làm thủy điện thì lợi bất cập hại. Vừa qua, chúng ta đã rà soát kỹ lại quy hoạch thủy điện xem cái nào cần, cái nào không cần thì xóa bỏ. Phát triển thủy điện mà thiếu quy hoạch và nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương, ảnh hưởng tới môi trường, dân sinh. Rừng xanh mà phá đi thì không biết bao giờ mới phục hồi được”