Dân Việt

Giữ hồn cốt tuồng làng Dương Cốc

31/05/2013 06:46 GMT+7
(Dân Việt) - Người dân thôn Dương Cốc hôm nay vẫn ngày tay cày, tay cấy, tối lại miệt mài với những vở tuồng, vai diễn. Họ chính là những người đang giữ gìn hồn cốt của làng tuồng Dương Cốc, Quốc Oai, Hà Nội.

Tuồng là máu thịt

Làng Dương Cốc được mệnh danh là làng "đặc biệt" nhất xứ Đoài xưa bởi nơi đây du nhập nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Xuất xứ ban đầu từ một đội cải lương rồi chuyển sang hát chèo, năm 1967, đúng vào thời điểm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Liên khu 5 (nay là Nhà hát Tuồng Trung ương) sơ tán về thôn Dương Cốc, đã truyền lửa đam mê cho những người dân nơi đây.

img
Một trích đoạn tuồng cđiĨno người Dương Cốc biểu diễn.

Mạch nguồn đam mê đó cứ dần dần thấm sâu vào máu người dân, như duyên phận trời định không tài nào dứt ra được. Chính vì say mê tuồng nên người dân Dương Cốc đã lập ra đội tuồng (nay là Câu lạc bộ Tuồng thôn Dương Cốc) đi biểu diễn khắp nơi phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng nhân dân trong vùng.

Nói về đam mê tuồng của người dân Dương Cốc, ông Nguyễn Văn Lý - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng thôn Dương Cốc cho hay, hồi đó trong thôn có đến trên 90% các hộ gia đình có người tham gia hát tuồng. Đó là thời kỳ hưng thịnh nhất của tuồng tại Dương Cốc. Đạo diễn đánh trống gọi tập từ lúc 2 giờ sáng nhưng lúc nào người dân cũng đến rất đông đủ. Các diễn viên thường đi diễn bằng xe kéo, xe cải tiến, xe ngựa, xe công nông… Họ đốt đuốc, đốt đèn măng sông để đi diễn trong đêm.

Cho đến thời điểm này, Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc đã thành công với 40 vở diễn từ tuồng cổ đến tuồng hiện đại. Năm 2006, trong Liên hoan Sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc, tổ chức tại đất tuồng Bình Định, đội tuồng Dương Cốc giành được 4 Huy chương Vàng toàn đoàn, 2 Huy chương Bạc và một giấy khen với vở: "Nắng soi dòng suối Pang Pơi".

"Năm 2003, tuồng Dương Cốc đã biểu diễn tại Hội diễn không chuyên toàn quốc được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa. Nếu ở nhà đi cấy thuê thì được mấy trăm nghìn đồng một sào lúa, nhưng đi tham gia hội diễn thì chúng tôi chỉ được tỉnh Hà Tây (cũ) trả có 30 nghìn đồng/ngày. Nhưng những người yêu tuồng của Dương Cốc vẫn tham gia mà không hề tiếc nuối" - ông Nguyễn Văn Lý chia sẻ.

Từ tuồng nên duyên chồng vợ

Ở Dương Cốc, rất nhiều cặp vợ chồng đã nên duyên vợ chồng từ nghệ thuật tuồng. Nổi tiếng là “cặp đôi vàng” của làng tuồng Dương Cốc, Nguyễn Huy Thường - Nguyễn Thị Bích Hảo, bén duyên nhau từ năm 1973. Khi ấy đội tuồng Dương Cốc tập vở "Gia đình chị Ngộ".

Theo sự phân vai thì chị Hảo vào vai chị Ngộ (vợ) và anh Thường vào vai anh Ngô (chồng). Đó cũng là vai diễn đầu tiên mà đôi trai gái trẻ đảm nhiệm trong đời. Khi ấy cô thôn nữ Bích Hảo vừa tròn 18 tuổi, còn chàng thanh niên Mạnh Thường cũng vừa 24 tuổi. Vai diễn của họ thành công ngoài mong đợi, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Tưởng chỉ là vai diễn thôi, nào ngờ sau đấy ít hôm, anh Ngô - chị Ngộ trong vở diễn dắt nhau về ra mắt cha mẹ đôi bên. Thế là từ chỗ chỉ là vợ chồng trong vở diễn, họ đã trở thành cặp uyên ương thật ngoài đời.

Theo ông Huy Thường, tuồng không như những môn nghệ thuật khác. Với loại hình tuồng, người nghệ sĩ phải vận dụng toàn cơ thể đến tinh thần, trí óc. Người nghệ sĩ hát có câu trầm, câu bổng, câu trống, câu mái và phải có vũ đạo kèm theo chứ không như những lời ca mới. Vì thế học tuồng và đam mê tuồng không hề đơn giản. Để truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ, ông Huy Thường - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng cho rằng, trước hết, thế hệ của ông phải luôn giữ được tình yêu với tuồng, cùng sự động viên, dạy dỗ các cháu. Có như thế mới truyền được sự đam mê đến với thế hệ kế cận được.

Hiện tại, theo ông Nguyễn Văn Lý, Câu lạc bộ có 40 thành viên cả già và trẻ. Nhờ có nhà tài trợ giúp đỡ, câu lạc bộ đã sắm được 12 chiếc trống để phục vụ lễ hội cũng như những vở diễn. "Chúng tôi đang đầu tư vào lứa thanh niên từ độ tuổi 15-20. Hàng tuần, các cháu tập một vài tối với sự dẫn dắt của các thế hệ đi trước. Ngoài ra, Câu lạc bộ cũng cho các cháu đi tập huấn, gặp gỡ, học hỏi các NSND, những nhạc công của Nhà hát Tuồng Việt Nam. May mắn là các cháu rất thích và đam mê với tuồng. Các cháu nam thì tỏ ra hào hứng với màn đánh trống và múa cờ. Các cháu nữ thì say sưa hát và tập lời thoại"- ông Nguyễn Văn Lý tâm sự.