Rùng mình với bãi phế thải trà
Bãi đất trống rộng bên hông nghĩa trang trong khu phố Bình Đức thuộc UBND phường Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương được ông Hoàng (A Tỷ) làm bãi tập kết phơi bã trà phế thải trước khi đưa vào hệ thống lò sấy trà theo công nghệ đốt nóng bằng củi than.
Mới đi từ ngoài vào bãi phơi bã trà, chúng tôi giật mình bởi mùi hôi thối như phân trâu xốc lên mũi. Giữa trưa hừng hực nắng, gần 20 công nhân lực lưỡng đang dùng cào phơi rơm, cuốc để banh từng bao bã trà ra phơi nắng.
Hàng đống bã trà tại lò sấy trà không phép của A Tỷ (phường Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương. Ảnh: V.Đ.P |
Bã trà để ẩm ướt lâu nên bốc mùi khó ngửi. Quan sát bã trà đang phơi, chúng tôi thấy có cả nấm mốc trắng hếu mọc đầy cọng bã trà phế thải. Một công nhân mình đầy mồ hôi nhễ nhại, ngồi bệt trên bã trà đang phơi, tay cầm cái nón quạt phành phạch. Thấy chúng tôi lân la hỏi chuyện phơi bã trà để làm gì, anh công nhân cho biết: “phơi bã trà cho khô rồi đem vào lò sấy, sau đó bán lại”.
Công nhân tên T. cho biết, bã trà này được mua của nhà máy sản xuất nước trà C2, trà xanh không độ… đem về đây sấy khô rồi bán cho các cơ sở mai táng làm trà tẩm liệm. Trà phế thải sau khi sấy mà còn tốt thì đem đi tẩm hương liệu trà, ướp lài rồi bán cho người ta uống, giá mỗi kilogram trà 10.000 đồng.
>>Clip: Đột nhập xưởng tái chế bã trà thành trà "tươi"
Tại bãi phơi bã trà này, nhiều công nhân cho hay mỗi ngày bình quân một người phải làm 40kg trà thành phẩm (bã trà phơi khô) mới được hưởng lương của ông chủ A Tỷ. Vào bên trong khu xưởng sấy trà, chúng tôi thấy cả một kho chứa hàng chục tấn trà thành phẩm đã sấy khô, đóng bao gọn gàng chất đống. Hơn chục lò sấy bã trà đang đốt lửa phừng phực, chúng tôi hỏi chuyện một công nhân đang lui cui lấy củi khô đút vào lò.
Người công nhân này cho biết, bã trà sau khi phơi khô rồi đem vào đây sấy lại trước khi đóng bao chở đi bán. Chúng tôi hỏi bán cho ai? Anh công nhân này trả lời: “Bán cho người ta ướp xác chết, một số thì bán cho người ta uống”.
Công nhân chế biến bã trà. Ảnh V.Đ.P |
Đây là cơ sở sản xuất trà “chui”, không có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại ngay khu trung tâm văn hóa của phường Bình Hòa. Ông Hoàng - chủ cơ sở chế biến bã trà này - cho biết bã trà được mua từ mấy công ty sản xuất trà xanh C2, trà xanh 0 độ.
Chúng tôi hỏi mua giá bao nhiêu một kg? Ông Hoàng cho hay trước đây họ cho không nhưng giờ phải mua mỗi kg từ 200 - 300 đồng. Sau khi phơi sấy đóng bao chở đi bán mỗi kg 4000 - 6000 đồng cho người ta ướp xác chết. Trà “ướp xác” này được tung ra thị trường qua phương tiện xe tải dưới cái mác “Hội chữ thập đỏ”.
Chúng tôi ghi nhận được, thường có một chiếc xe tải mang biển số 54V-7592, bên hông xe có ghi dòng chữ “Hội Chữ thập Đỏ”. Bã trà thành phẩm được chở về TP.HCM tập kết tại kho 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Từ đây, “trà ướp xác” được tỏa đi khắp các tỉnh thành, nhiều nhất là Long An, Đồng Tháp, TP.HCM.
Thỉnh thoảng, từng xe máy đến kho mua vài bao “trà ướp xác” rồi phóng nhanh ra khỏi bãi tập kết, mất hút. Vào tận kho bãi tập kết này, chúng tôi mục kích được từng bao trà kích cỡ lớn khá đẹp để sẵn. Công nhân tên M. đang cào trà vào bao cho biết trà đựng trong bao là loại tốt, chuẩn bị chở đi tẩm hương lài.
Đội lốt chất thải để làm “trà ướp xác”
Xác trà được vứt bừa bãi trên nền đất trước khi đưa vào qui trình chế biến thành trà tái chế để tung ra thị trường tiêu thụ. Ảnh V.Đ.P |
Cuối năm 2011, thị trường tiêu dùng rúng động với thông tin “trà ướp xác” trộn lẫn với trà thông thường để bán cho các quán cà phê.
Thời điểm đó, Hiệp hội Chè VN đã có văn bản cảnh báo về việc một số cơ sở tái chế bã trà phế thải của Công ty TNHH Tân Hiệp Phát (tỉnh Bình Dương) lén lút trộn với trà thường tung ra thị trường. UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng chấn chỉnh.
Lần này, trước thông tin các công nhân ở cơ sở tái chế bã trà của ông chủ A Tỷ cho hay bã trà mua của nhà máy chế biến nước giải khát C2, trà xanh không độ, đại diện Công ty TNHH Tân Hiệp Phát, ông Phạm Lê Tấn Phong, khẳng định bã trà phế thải của công ty chỉ dùng để làm phân bón, trồng nấm và bón cho các vườn cây cao su và hoàn toàn không sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp thông tin xử lý phế thải bã trà thì ông Phong cho rằng đó là bí mật kinh doanh, không cung cấp.
Công ty TNHH URC Việt Nam là đơn vị sản xuất nước giải khát C2. Hàng tháng, URC thải ra khoảng 50 tấn bã trà phế thải và bán bã trà này cho Công ty TNHH giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Rồng Vàng (Bình Dương), đơn vị thu gom xử lý rác thải.
Ông Crispin J.Francisco – giám đốc tài chính Công ty TNHH URC Việt Nam - lo lắng hiện tượng tái chế bã trà sẽ nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và có nguy cơ khả năng nó sẽ quay trở lại thành nguyên liệu sản xuất cho nhà máy đồng thời dùng làm nước giải khát C2 giả.
Theo quy định, bã trà là chất thải rắn thông thường thuộc nhóm chất thải cần phải xử lý, chôn lấp. Tuy nhiên, sau khi mua bã trà của URC, Công ty Rồng Vàng thay vì xử lý chất thải đã bán lại cho cơ sở chế biến “trà ướp xác” của A Tỷ. Điều này, theo phía Công ty URC là không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, phía URC cho biết sẽ ngưng hợp đồng với Công ty Rồng Vàng nếu phát hiện sai trái.
Một chuyên gia về môi trường cho hay, bã trà xanh phế thải theo quy định phải được tiêu hủy hoặc dùng làm phân bón. Nếu dùng tái chế thì đơn vị tái chế phải được cấp phép và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, “trà ướp xác” vẫn ngang nhiên tung hoành thị trường trong một thời gian dài ngay trước mắt cơ quan quản lý thị trường tỉnh Bình Dương.
Võ Đức Phúc – Lộc Hưng