Ngư dân đang lo lắng sẽ bị “nén” lại trong làng chài 26 ha và chỉ còn 500m để thấy biển |
Suýt thành công dân làng “nén”
Con đường 603A, còn được gọi là đường ven biển, ngăn xã Điện Dương ra làm hai, trong đó phía đông con đường này (gần biển) là nơi cư trú của 1.500 hộ dân sống bằng ngư nghiệp. Từ năm 2003- 2004, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt quy hoạch dành toàn bộ vùng bên đông này cho phát triển du lịch và một khu tái định cư gọi là khu dân cư làng chài (gọi tắt là làng chài).
Ngay sau đó toàn bộ 7km bờ biển bên đông được chính quyền giao kín cho các nhà đầu tư, chỉ chừa khoảng 500m (tính theo bờ biển) nhằm tái định cư cho ngư dân bên đông vào đây. Nếu như các nhà đầu tư đồng loạt triển khai dự án, có nghĩa là cánh cửa ra biển của 1.500 ngư dân đã bị khép lại. Và kỳ cục thay, làng chài chỉ có 26ha - nếu sống chen chúc lắm chỉ đủ cho 600 hộ, trong khi số hộ dân cần đưa vào đến 1.500.
Trả lời về việc “nén” ngư dân vào làng chài, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Phó Ban quản lý các dự án và khai thác quỹ đất huyện Điện Bàn - cho rằng, huyện vẫn còn khu tái định cư bên tây đường ven biển để “đón” số ngư dân không có ghe thuyền vào ở.
Ý tưởng này bị ông Lê Văn Khuê - Chủ tịch UBND xã Điện Dương - phản bác: “Số ngư dân không có tàu thuyền, phải đi làm thuê (trên biển) không đáng kể. Có tách số đó ra cũng không làm thay đổi được sự “ngột thở” của làng chài”.
Chính quyền Điện Dương nhiều lần kiến nghị dành thêm cho ngư dân một khu tái định cư khác bên đông nhưng chưa thấy tỉnh trả lời. Và giả sử tỉnh có đồng ý thì cũng “bó tay” vì đất bên đông đã giao hết cho các dự án! “Cũng may”, dự án bị “treo” hầu hết, người dân không bị đưa vào chen chúc trong khu làng chài bé tí (khu này cũng bị “treo” nốt nên chưa ra đời).
Những “cõi” không dân
Về nguyên tắc, từ mép nước biển lên bờ 150m, chính quyền không cấp cho dự án. Thế nhưng, một vài nhà đầu tư khi triển khai dự án đã trồng cây lấn về phía 150m này, và trồng đến đâu cho người ngăn cấm người dân đến đấy. Ngư dân Trần Văn Thông (61 tuổi), nhà bên đông, kể lại, mới đây ông và dân làng đi bộ buổi sáng trên bờ biển.
Khi đi ngang qua khu khách sạn Nam Hải thì bị vệ sĩ của đơn vị này ngăn lại với lý do là không được đi vào “lãnh phận” của mình. Ông Thông cãi, nhà nước không cấp bực biển (bờ sát biển) cho doanh nghiệp, đây không phải là “cõi” không dân mà cấm dân. Giận quá, ông Thông làm đơn kiến nghị lên xã, huyện.
Cán bộ huyện phải về họp các bên giải quyết. “Cũng may mới một hai dự án triển khai, chứ nếu các nhà đầu tư bên đông đồng loạt xây khu du lịch, khách sạn thì cả 7km bờ biển này còn chỗ nào cho dân?” - ông Trần Văn Thông than thở.
Nói đến dự án “treo” ở Điện Dương, người than thở cũng nhiều mà người mừng thầm, cho là may mắn, cũng lắm. Ở ý kiến thứ hai có Chủ tịch UBND xã này, ông Lê Văn Khuê. “Mấy ổng cấp hết rồi!” - ông Khuê hay than thở như vậy. “Điện Dương có 10 thôn.
Trong đó 6 thôn ven biển (bên đông), “mấy ổng” cấp để làm dự án du lịch, 2 thôn Hà My Trung và Hà My Tây thì cấp cho Công ty Sông Hồng xây dựng dự án Làng đại học, 2 thôn còn lại là Tân Khai và Hà Bản thì nằm trong khu quy hoạch đô thị. Ông Khuê cho biết, theo quy hoạch, rồi đây 4.000 hộ dân xã này sẽ vào sống trong các khu tái định cư.
“Thôi cứ cho là bây giờ bố trí hết được dân vào khu tái định cư đi, nhưng vài mươi năm sau, khi con cái họ ra đời, dân số phát triển thì lấy đâu ra đất mà làm nhà vì hầu như phần lớn đất bên ngoài đều thuộc về dự án. Chẳng lẽ lúc đó biểu dân đi mua lại đất của doanh nghiệp làm nhà?”- ông Khuê hỏi.
Cũng theo ông Khuê, đành rằng về quy hoạch, Điện Dương vẫn có một số khu đô thị. Nhưng dân địa phương thì lấy đâu ra tiền mua đất trong khu đô thị? Và ông chủ tịch kết thúc những câu hỏi không lối thoát của mình bằng một tiếng thở ra: Cũng may là hiện tại nhiều quy hoạch, dự định, dự án bị “treo”...
Trần Quang