Cùng “tha phương cầu thực” làm thuê nơi đất khách quê người, ông bà đã gặp và bén duyên nhau thành vợ thành chồng. Không học thức, không có tài mọn gì ngoài sức dẻo dai của thanh niên, thương tình nên bà con làng xóm hay gọi vợ chồng ông gánh nước giùm rồi trả thù lao. Khi ấy, người dân cả phố cổ Hội An sống nhờ vào cái giếng cổ ngàn năm tuổi Bá Lễ. Rồi không biết tự bao giờ, vợ chồng ông bén duyên với nghề gánh nước thuê mưu sinh thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ.
Đó là câu chuyện về vợ chồng ông Nguyễn Đường (81 tuổi) và bà Nguyễn Thị Mỹ (72 tuổi), trú tại 47/24, đường Trần Hưng Đạo, tổ 8, phường Minh An, TP.Hội An (Quảng Nam)
Bén duyên bên gánh nước…
Những khoảnh khắc đáng nhớ của đôi vợ chồng già |
Chúng tôi tìm đến nhà cụ ông Nguyễn Đường vào một buổi trưa tháng 12. Không gian phố cổ Hội An tĩnh lặng hơn mọi khi. Sau khi hỏi thăm, chúng tôi men theo một con hẻm nhỏ đến số 47/24 đường Trần Hưng Đạo, ngôi nhà của vợ chồng già “nổi tiếng” này.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ hai vợ chồng cụ nhiệt tình ngồi kể lại chuyện tình, chuyện đời gian truân của mình. Vừa đưa tay rót chén trà nóng hổi mời khách, cụ ông Nguyễn Đường bồi hồi nhớ lại: “Cha mẹ sinh ra đã nghèo nên có được ăn học mô. Vừa mới 15 tuổi đã tha phương theo những lái buôn trên những con thuyền vào nam mưu sinh. Ngày ấy, tui làm nghề khuân vác cho những bến tàu… Rồi bỗng nhiên, tui gặp bả (cụ bà Nguyễn Thị Mỹ). Bả hồi đó cũng đi làm thuê, làm mướn ở trong này. Vài lần gặp, hai chúng tui thấy hợp rồi rủ nhau cùng về quê làm đám cưới”.
Được biết, cụ bà Nguyễn Thị Mỹ hồi đó tuy phải đi làm thuê nhưng vẫn toát lên vẻ đoan trang, nét đẹp đằm thắm của người con gái tuổi đôi mươi. Nhiều chàng trai đất cảng Sài Gòn đến tán tỉnh nhưng cụ vẫn không chịu. Mãi đến khi gặp cụ Nguyễn Đường mới ưng ý. “Cũng ngày đó, ông nhà tôi đã nhiều lần chạm trán với giang hồ Sài Gòn nhưng sau nhiều lần đối mặt, không hiểu sao tụi kia cũng sợ không dám đụng tới ổng nữa… Sau đó, vợ chồng tui sợ bị bọn chúng quấy rối nên mới quyết định trở về quê sinh sống…” - cụ Mỹ hồi tưởng lại.
Hình ảnh của đôi vợ chồng gánh nước thuê trong lòng phố Hội được ghi lại qua ống kính của các nhà báo Nhật Bản |
Kể về những ngày tháng duyên trời đưa đẩy vợ chồng bà đến với cái nghề gánh nước thuê này, cụ bà Mỹ vẫn nhớ rõ như in: Ngày đó, tình cờ bà phát hiện người dân Hội An rất thích dùng nước giếng Bá Lễ. Làm gì, nấu gì, pha gì cũng phải là nước giếng này. Thấy vậy, bà lẳng lặng về sắm quang gánh, cùng chồng ngày ngày đi đổ nước cho các nhà trong phố. Cuộc sống bắt đầu khá lên, có cơm ăn, áo mặc, rồi dựng nên một mái nhà tươm tất trên mảnh đất nhỏ hẹp hiện giờ.
Một đời gánh nước nuôi con
Rồi mai đây, khi lối sống đô thị phát triển, có mấy ai còn ưa thích giọt nước mát lành được chắt chiu trên đôi quang gánh của đôi vợ chồng già giữa lòng phố Hội. Dù đời cha cho tới đời con, gia đình ông chỉ sinh sống bằng nghề gánh nước thuê nhưng vợ chồng ông cụ Đường vẫn luôn hạnh phúc và tự hào về điều đó. Ông mong sao đứa con trai nối nghề dù là năm năm hay mười năm sau vẫn có thể nuôi sống mình. Quay sang nhìn đứa con khờ dại, lòng hai cụ đau đáu nỗi lòng thương con khôn xiết: "Sau này, không có người thân bên cạnh cưu mang, chăm sóc, Quốc biết nương tựa vào đâu...".
Khi chúng tôi hỏi thăm về cái nghiệp gánh nước thuê của gia đình cụ, cụ ông Nguyễn Đường đứng dậy cẩn trọng lôi từ trong tủ ra một túi ni-lông đựng mấy tờ báo cũ rích, mấy tấm hình cùng nhiều kỷ vật khác. Cụ ông cho biết giếng Bá Lễ nằm ở đầu con hẻm vào nhà vợ chồng cụ. Giếng tính đến nay đã ngót 1.000 năm tuổi. Giếng có mạch nước ngầm dồi dào, trong veo và ngọt mát khiến ai đã một lần uống đều không thể nào quên. Từ giếng cổ này, nhiều món ăn, thức uống nổi tiếng ngon và có mùi vị đặc trưng như xí mà, cao lầu, trà, chè bắp... đã trở thành thương hiệu của người Hội An.
Trên gương mặt của cụ bà Nguyễn Thị Mỹ giờ đây hằn rõ những nếp nhăn sau hơn 50 năm vất vả mưu sinh bên gánh nước. Cụ bà tâm sự: “Những ngày đầu lập nghiệp, cái nghề gánh nước thuê này sống chủ yếu bằng sự “bố thí” của bà con. Ngày đó, cứ ai kêu thì gánh. Gánh xong họ thích cho bao nhiêu thì cho. Nếu may, bữa mô gánh được vài nhà khá giả thì ngày đó có cơm ăn no, có tiền mua sữa cho con. Nhưng nói vậy thôi chứ nếu gia đình nào khổ quá là vợ chồng tui gánh không lấy tiền đâu. Họ cũng nghèo mà lấy tiền chi tội họ, mà có lấy vài đồng bạc lẽ cũng đâu có đủ vào đâu”.
Chưa nói dứt câu chuyện, cụ bà thở dài quay sang nhìn đứa con ngoài 50 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như đứa trẻ lên 3 mà tủi thân. Vừa tròn 1 tuổi, một cơn sốt nặng đã lấy đi sự tỉnh táo, lanh lẹ thường ngày của anh. Nghề gánh nước kiếm chẳng được bao nhiêu nhưng hai vợ chồng đã đi vay, đi mượn, đi thế chấp nhà cửa để đưa con ra tận Huế, vào tới Sài Gòn để chạy chữa nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu đầy thất vọng của nhiều bệnh viện. Rồi đến năm lên 12 tuổi, cậu con trai của hai cụ đã bắt đầu theo chân tập tành gánh nước thay những lúc cha mẹ ốm đau. Và dường như cái hình ảnh vợ múc nước đổ đầy thùng để chồng và con trai gánh đi đã trở nên quen thuộc với những người dân phố Hội.
Giếng nước Bá Lễ hơn 1.000 năm tuổi |
Mỗi đôi nước gánh thuê nay giá chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng tùy vào khoảng cách. Xa thì chừng 1-2km, gần thì dưới 1km. Bất kỳ thời gian nào, sáng 4-5 giờ vợ chồng cụ đã thức dậy gánh nước cho những hàng quán, có khi tối đến bảy tám giờ còn gánh… Nhưng ngày càng ít người nhờ đến hai cụ gánh thuê. “Cái nghề này dường như sắp bị lãng quên rồi. Bây giờ đời sống phát triển, một bình nước 20 lít, chỉ tốn từ 8.000-10.000 đồng được đưa đến nhanh, gọn và sạch sẽ được ưa chuộng hơn là những gàu nước giếng” - chị Hồng, một người hàng xóm chia sẻ.
Chúng tôi nhìn xung quanh ngôi nhà nhỏ, chẳng thấy tài sản gì quý giá ngoài đôi thùng gánh nước được vợ chồng cụ cất cẩn thận tại một góc nhỏ căn nhà. Hai vợ chồng cụ quý đôi thùng gánh nước này như tính mạng của mình. Nó là kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình bao năm nay. Chưa bao giờ, vợ chồng cụ để vết bẩn dính trên đôi quang gánh, cứ mỗi khi gánh nước xong về, cụ ông lại lau thật khô, thật sạch sẽ. Có lẽ vì vậy mà nó đã gắn bó thân thiết với gia đình cụ hơn một nửa thế kỷ qua.