Dân Việt

Cho biên cương ngời một chấm xanh...

09/11/2012 09:56 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2010, Công ty 74 (Binh đoàn 15) được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Có mặt trong “Đoàn dao quắm” từ ngày mở đất, đại tá - Giám đốc Trần Quang Hùng với “kỷ lục” là người bám trụ thâm niên nhất Binh đoàn trên vùng đất điển hình gian khó - đã góp phần đưa Công ty giành danh hiệu vinh quang đó...

Ký ức một thời “đánh gốc bốc chà”

Bàn tay đại tá Trần Quang Hùng ngập ngừng lần giở từng trang giấy kẻ carô đã ố vàng. Cuốn nhật ký chỉ dừng lại mấy năm đầu đời lính, nhưng cứ mỗi lần đọc lại những con chữ phai màu thời gian ấy, ký ức một thời gian khổ lại hiện về xao xuyến tâm can…

img
Đại tá Trần Quang Hùng (thứ 2 bên phải) cùng bà con làng Lang uống rượu mừng nhân dịp khánh thành cây cầu do Công ty 74 giúp đỡ.

Tháng 3 năm 1975, khi chiến dịch Tây Nguyên khai màn thì tại xã Đại Đồng (Vĩnh Phúc), Đoàn Mê Linh được thành lập. Trần Quang Hùng cứ đinh ninh mình sẽ được cầm súng cùng đồng đội xốc tới hang ổ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, nào ngờ đến Tây Nguyên, đơn vị của anh lại được giao tiếp quản vùng giải phóng làm nhiệm vụ sản xuất lương thực…

Đức Cơ trước mặt người lính trẻ hoang vu một chân trời thảo dã. Hàng cây số không một tiếng chó, tiếng gà. Lán trại chưa kịp dựng xong, sốt rét đã trỗi lên hoành hành. Trên dãy sạp nứa không ngày nào không có người trùm chăn run lẩy bẩy. Với nữ chiến sĩ đáng sợ hơn sốt rét là căn bệnh rối loạn công năng ở nữ. Trong màn đêm yên tĩnh, bất chợt lại nghe sằng sặc những tiếng cười tập thể. Có người còn trèo tuốt lên ngọn cây cười ngây dại…

Rừng thiêng nước độc, chế độ ăn uống lại vô cùng kham khổ. Bữa ăn nào cũng có sắn thường trực. Hết sắn luộc lại sắn khô làm bánh… Nhật ký Trần Quang Hùng còn ghi một kỷ niệm: Trước Tết năm 1976, trung đội được biệt phái đi nhổ sắn. Đã đến chiều 28 Tết vẫn chưa thấy xe vào đón. Chẳng còn gì ăn, anh em bàn nhau giã sắn tươi nấu cháo. Cháo vừa chín tới lại chẳng còn hạt muối nào. Đêm tối như bưng mắt, gió lạnh rít thấu xương nhưng cũng đành lọ mọ băng rừng vào làng đồng bào dân tộc xin muối… Thêm 3 bữa cháo sắn nấu muối nữa, sáng 30 anh em bàn nhau đi bộ về. Thế là xong một cái tết…

“Cuộc đời đôi khi cũng thật trái khoáy. Chính mình là người cầm cuốc đào cao su để sau đó lại ra sức trồng cao su” – ông cười… Cao su ông nói đây là cao su dinh điền thời Ngô Đình Diệm. Để có đất trồng sắn, lính ta được lệnh phá đi những vườn cao su ấy. Chỉ tiêu giao mỗi người mỗi ngày 3 gốc. Trần Quang Hùng đào tới 6 gốc, được bầu là Chiến sĩ thi đua... Sắn chất đầy kho, tay chai sần vì “đánh gốc bốc chà” mà đói vàng cả mắt.

Dưới con mắt một số người, đó là sự luẩn quẩn, vô vọng. Và họ đã chạy trốn khỏi cuộc sống mà họ cho là luẩn quẩn, vô vọng ấy. Chỉ vài tháng đầu đã có người bỏ trốn. Có đại đội bỏ trốn đến một phần ba. Điều bất ngờ là nam lại trốn nhiều hơn nữ… Một thế trận ngỡ chừng như đang vỡ nhưng niềm tin và ý chí của những người bám trụ vẫn quyết định sự tồn tại.

Cuốn nhật ký của Trần Quang Hùng hằn những dòng nhiệt huyết: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy mình vẫn quyết không lùi bước. Mình tin ý chí và sức mạnh của người lính sẽ bắt đất phải chuyển mình. Cuộc sống rồi sẽ sáng lên…”.

Cội nguồn bởi lòng dân…

Năm 1985, Binh đoàn 15 thành lập. Công ty 74 ra đời. Năm 2003, Trần Quang Hùng được đề bạt Giám đốc Công ty… 18 năm trong đội ngũ Binh đoàn, Công ty 74 lúc này đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên so với yêu cầu thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Chiếm hơn 40% quân số nhưng năng suất lao động của công nhân dân tộc Jrai chỉ mới bằng một nửa công nhân người Kinh. Thói quen làm việc tùy hứng, năng suất thấp, doanh thu hàng năm của công ty thiệt hại rất lớn.

Tình hình an ninh lúc này lại diễn biến phức tạp. Vụ bạo loạn mang màu sắc chính trị tháng 2 năm 2001 vẫn âm ỉ rồi bộc phát năm 2004. Một số công nhân và người dân trên địa bàn bị kẻ xấu kích động tràn vào lô cướp mủ, gây rối… Trần Quang Hùng nhận định: Việc người dân bị kẻ xấu lợi dụng, nguyên nhân sâu xa là do thu nhập thấp. Đời sống khó khăn tất yếu sẽ nảy sinh bất ổn về an ninh trật tự. Tình hình đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu.

Ông kể: “Biết bà Cải - Trưởng ban dân vận huyện Ia Grai có nhiều kinh nghiệm dân vận lại giỏi tiếng Jrai, tôi mời về dạy cho cán bộ. Cứ mỗi tuần 3 tối, ai cũng phải học. Phải tạo cho được sự chuyển biến trong nhận thức của công nhân và người lao động dân tộc rằng cây cao su là của họ, là nguồn sống của chính họ”. Phương pháp dân vận đi đúng lòng dân đã tạo được một “cuộc cách mạng” trong nhận thức. Nếu năm 2003, công nhân Jrai hầu hết hụt sản lượng thì năm 2007 đã có hơn một nửa vượt khoán, năng suất bình quân đạt 80% rồi tăng dần đến 100% định mức chung…

Giải quyết được “gút thắt”, 8 năm qua sản xuất kinh doanh của công ty luôn vượt chỉ tiêu được giao từ 10 – 15%. Nếu năm 2004, giá trị sản xuất của Công ty 74 đạt chưa đến 50 tỷ đồng thì năm 2011 đã đạt gần 760 tỷ - tăng hơn 15 lần; lợi nhuận tăng gần 85 lần; lương bình quân tăng hơn 8 lần… Sản xuất kinh doanh phát triển, Công ty có điều kiện nâng công tác dân vận lên một tầm cao mới. Hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư làm đường giao thông, công trình thủy lợi, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới…

Đó là chưa kể hàng chục tỷ đồng cấp thuốc miễn phí, cấp gạo cứu đói, xây nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc trên địa bàn đứng chân… Từ năm 2005, 36 thôn, làng của 9 xã thuộc địa bàn công ty đứng chân trở lại yên bình, dứt hẳn tệ trộm cắp, vượt biên trái phép…

Nếu năm 2004, giá trị sản xuất của Công ty 74 đạt chưa đến 50 tỷ đồng thì năm 2011 đã đạt gần 760 tỷ - tăng hơn 15 lần; lợi nhuận tăng gần 85 lần; lương bình quân tăng hơn 8 lần…

Có thể nói trong các đơn vị thuộc Binh đoàn 15, Công ty 74 luôn nổi bật trên cả hai lĩnh vực kinh doanh và dân vận. Có được điều này là bởi Giám đốc Công ty luôn có những cách làm sáng tạo. Từ những giải pháp kỹ thuật như dùng mái che mưa 3 tầng để nâng số ngày khai thác trong mùa mưa đến mô hình “gắn kết hộ” giữa công nhân người Kinh với công nhân dân tộc giúp nhau phát triển kinh tế, quản trị gia đình được tất cả các đơn vị Binh đoàn 15 áp dụng, được Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao…

Hay như khẩu hiệu “Là công nhân không ăn cắp mủ. Ăn cắp mủ không phải là công nhân” trở thành phong trào cũng Trần Quang Hùng là người khởi xướng… Hỏi từ đâu mà nghĩ được những cách làm hay ấy, ông cười: “Mình “cố vị” 38 năm vùng đất này, từ một anh lính binh nhì tịnh tiến lên Tiểu đội trưởng, Đại đội trưởng rồi Trưởng ban, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc nên lĩnh vực nào cũng đã tường. Với đồng bào dân tộc, mình từng là con kết nghĩa của nhiều gia đình. Thực tiễn dạy mình thôi…”.

Ai lên biên giới cho lòng ta theo với/Thăm ngàn lau trắng đến vô cùng/Trắng bát ngát đến tận cùng bờ cõi/Suốt một đời cùng với gió giao tranh” Lời thơ hoài niệm một thời biên ải với Đức Cơ đã lùi vào dĩ vãng. Dòng nhựa ấm lành không chỉ mang đến cho hơn 1.400 hộ công nhân dân tộc của Công ty một cuộc sống ấm no, mà còn cộng hưởng đến tận cùng miền đất. Sự hy sinh, cống hiến của những người lính lặng thầm, nhưng sẽ vĩnh viễn kết tinh trong từng mùa cao su trút lá…