Giải quyết vấn đề thuế
Chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với tình huống thuế sẽ tự động tăng lên 600 nghìn tỉ USD trong khi chi tiêu công bị cắt giảm, các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, trừ phi hai chính đảng đạt được thỏa thuận. Những biện pháp giảm chi một mặt sẽ ảnh hưởng tới các chi tiêu quân sự được đảng Cộng hòa ủng hộ, và mặt khác các chương trình xã hội được hỗ trợ của đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama kiểm soát Thượng viện Mỹ, trong khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện.
Về thuế, bản thân Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ cũng đang đau đầu với quyết định nên hay không nên gia hạn biện pháp giảm thuế đã có hiệu lực trong nhiều năm qua nhưng sẽ hết hạn vào cuối năm 2012. Biện pháp giảm thuế áp dụng cho tất cả các công dân Mỹ, bất chấp mức thu nhập của họ. Các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa nói họ muốn gia hạn biện pháp giảm thuế cho tất cả, trong khi Tổng thống Obama và giới lãnh đạo trong Đảng Dân chủ của ông đã tìm cách loại trừ biện pháp giảm thuế cho thành phần người đóng thuế giàu có nhất.
Chính vì quá quan trọng, nên ngay trong bài phát biểu đầu tiên trước báo giới, kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama đã nói về chính sách kinh tế, trong đó hối thúc các nhà lập pháp nhanh chóng đạt được thỏa thuận để ngăn chặn cái gọi là “vách đá tài chính”, mà cụ thể là đề xuất cắt giảm chi tiêu và tăng thuế đánh vào giới giàu nhất nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh AFP |
Ông Obama tuyên bố cánh cửa cho những ý tưởng mới luôn mở rộng và ông sẵn sàng có những nhượng bộ thích hợp nhằm đạt được một thỏa thuận với Quốc hội để hướng tới mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ông đồng thời cảnh báo nếu các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện không có thái độ hợp tác và tiếp tục kéo dài tình trạng bế tắc về tài chính như hiện nay, thì nền kinh tế sẽ có nguy cơ bị đẩy vào suy thoái khi các loại thuế sẽ tăng và ngân sách liên bang sẽ tự động phải cắt giảm vào ngày 1.1.2013 tới.
Hai bên vẫn không nhượng bộ
Cho đến nay, cả hai đảng đều không thay đổi lập trường, các nỗ lực nhằm đi đến đồng thuận đã thất bại, nhưng các biện pháp giảm chi và tăng thuế là những biện pháp bắt buộc phải thi hành.
Ông Leon LaBrecque, chiến lược gia và cũng là người sáng lập LJPR, một công ty quản lý gần 500 triệu USD tài sản cho các nhà đầu tư, nói: "Hiện rất khó có thể tin rằng Quốc hội và Tổng thống Obama có thể giải quyết các vấn đề này trước ngày 31.12, dù điều đó có thể xảy ra."
Các nhà kinh tế nói rằng giảm chi tiêu gắt gao và tăng thuế thật cao sẽ làm cho nhu cầu đối với hàng hoá và dịch vụ giảm, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và làm tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, và các điều kiện này có thể đẩy nước Mỹ rơi lại vào tình trạng suy thoái.
Các mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Washington đã vượt quá 1 nghìn tỉ USD, nâng tổng số nợ của Mỹ tới gần hơn giới hạn tới mức hợp pháp tối đa, hay còn gọi là mức nợ trần. Mức trần này đã được điều chỉnh nhiều lần trong thập niên qua, và bây giờ được ấn định ở khoảng 16 nghìn tỉ USD.
Tuy nhiên, ông Obama vẫn khẳng định quan điểm nhất quán của Nhà Trắng sẽ bác bỏ mọi đề án về thuế má, trong đó không bao gồm việc tăng thuế đối với thiểu số những người giàu để có thêm nguồn thu trang trải thâm hụt ngân sách. Sức ép đối với Tổng Thống Obama và giới lãnh đạo đảng Cộng hòa ở quốc hội buộc họ phải đạt được đồng thuận với nhau về các vấn đề vừa nêu, đã tăng sau cuộc bầu cử, sau khi cơ quan đánh giá mức độ tin cậy tài chính Fitch cho biết là cơ quan này có thể hạ xếp hạng tín dụng đối với các công cụ tài chính Mỹ, trừ khi có một thỏa hiệp tương nhượng về vấn đề nợ.
Quang Minh