Trò ảo thuật tinh xảo
Làng gốm cổ Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) nằm cách bờ sông Quao chừng 1km, nhà cửa san sát. Mỗi hộ ở đây chỉ được sở hữu một diện tích đất khá nhỏ, với khoảng sân chật chội. Góc trang trọng nhất của mảnh sân dành cho khu trưng bày sản phẩm gốm; một góc khác là chỗ dành cho các bà, các mẹ làm gốm; nơi đầy nắng dành để phơi se các sản phẩm mới làm ra; còn nơi lem luốc bụi than, chất chồng rơm, củi chính là lò nung lộ thiên - nơi các sản phẩm gốm chính thức chào đời.
Một góc trưng bày sản phẩm của Nghệ nhân Đàng Thị Phan ở làng gốm Bàu Trúc. |
Giữa 4 góc sân như thế, Nghệ nhân Đàng Thị Phan tiếp chúng tôi trong bộ đồ màu xám, chiếc khăn ma-ôm buộc khéo léo trên đầu, trên khuôn mặt “rất Chăm” luôn nở nụ cười thật ấm áp. Bà kể rằng, bà bắt đầu làm gốm từ năm 18 tuổi. Người Chăm xưa theo mẫu hệ, khi đàn bà Chăm sinh con cũng là lúc họ phải thể hiện vai trò của mình.
Đang trò chuyện với chúng tôi thì một tốp khách du lịch ghé đến lò gốm của gia đình, bà cáo lỗi, rồi mau mắn bê ra một khối đất nhỏ để trình diễn kỹ thuật làm gốm phục vụ khách. Giữa khoảng sân là một chiếc đế cao chừng 80cm bằng gốm, nghệ nhân khéo léo đặt dải đất dẻo đã vê tròn lên đó... Nhanh như một trò ảo thuật tinh xảo, chỉ mấy phút sau, bằng sự khéo léo của đôi bàn tay và bước đi đầy nhịp điệu của đôi chân, một chiếc bình gốm đã thành hình.
Trong khi tươi cười trò chuyện với khách, bà Phan vẫn cúi lom khom, đi giật lùi, đôi tay viền gốm vô cùng khéo léo. Nhiều người hỏi: “Sao dì phải đi giật lùi thế?”. Bà giải thích: “Đi giật lùi, con mắt quan sát sẽ tốt hơn, bao quát hơn”.
Quà tặng từ sông Quao
Gốm Bàu Trúc hấp dẫn du khách bởi sự mộc mạc, xương gốm có vẻ thô kệch, nhưng hoa văn của nó tự nhiên và tràn đầy ngẫu hứng. Nghệ nhân Phan cho biết: “Đất sét làm gốm ở Bàu Trúc là một quà tặng vô giá của thiên nhiên, của “bà mẹ sông Quao”. Đất đó mấy đời nay làm không hết, cứ năm nay mình xúc lớp đất mặt bỏ qua bên, rồi đào sâu 1m rộng 5 tấc lấy đất đó làm gốm, 3 năm sau, chỗ đất đó lại lấp bằng như cũ, lại có thể sử dụng, ở trên mình vẫn làm lúa như thường.
Đất làm gốm lấy từ bờ sông Quao phải được trộn với cát từ con sông Lu cạnh đó, theo tỷ lệ nhất định và quan trọng nhất phải được các nghệ nhân nhào nhuyễn bằng tay... Hỏi sao không dùng bàn xoay, bà Phan bảo: “Tôi cũng thích làm bàn xoay lắm chứ. Vì nếu làm tay, tôi chỉ làm được 2 mẫu, còn làm bàn xoay được tới 5-10 mẫu. Tôi đã học 3 lần mà không được, dù cố ghê lắm. Đất này rất dẻo, khi đỡ sản phẩm khỏi bàn thì đất dẻo dính lại, không gỡ ra được”.
Thì ra là vậy, cái đất con sông Quao này khó tính như thế đấy. Nó khiến cho phụ nữ Chăm từ bao đời trước và mãi mãi về sau phải nghiêm cẩn giữ gìn cái kỹ thuật độc đáo của mình, cứ phải tần tảo từng bước chân miệt mài xoay quanh như một cuộc lần hồi vĩnh cửu...
Mai An