Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khoảng 6-7 tuần nhập khẩu |
Tình hình vĩ mô hiện tại đủ mạnh để thực hiện can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Xuất khẩu 10 tháng tăng rất mạnh và dự báo cả năm có thể tăng 23% (kế hoạch chỉ 18%), nhập khẩu kiềm chế tốt. Nhập siêu dự kiến trước đây khoảng 13,5 tỷ USD - 14 tỷ USD thì được kiềm chế cả năm xuống khoảng 12,5 tỷ USD, thậm chí nếu thực hiện tốt chỉ khoảng 12 tỷ USD. Cán cân thanh toán năm 2009 thâm hụt xấp xỉ 9 tỷ USD nhưng năm 2010 đến thời điểm này dự báo chỉ khoảng 4 tỷ USD, giảm rất mạnh. Tăng trưởng GDP năm nay có khả năng vượt kế hoạch.
Thường trực Chính phủ trong buổi họp tối muộn hôm qua, 3-11, đã quyết định sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho các hoạt động sản xuất cần thiết chứ không lựa chọn các giải pháp khác như điều chỉnh tỷ giá hay biên độ.
Đó là thông tin chính thức từ đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, vừa cho biết ít phút trước.
Theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp thị trường ngoại hối căng thẳng, phải can thiệp đủ mạnh, cung ngoại tệ ra để bình ổn. Các nhu cầu ngoại tệ cho các hoạt động sản xuất cần thiết sẽ được đáp ứng đầy đủ, doanh nghiệp sẽ được giải quyết ngay.
Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 300 triệu USD và trong tháng 10 đã bán ra khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, đó vẫn là những can thiệp nhỏ giọt.
Các căn cứ để Chính phủ quyết định giải pháp mạnh tay này là biến động tăng của tỷ giá đang diễn ra do yếu tố tâm lý, kỳ vọng của người dân; giá vàng tăng cao; doanh nghiệp có thời điểm vay ngoại tệ lớn quá nhu cầu, bán ra trên thị trường. Các khoản vay này đến hạn và phải mua lại.
Thường trực Chính phủ nhận định việc điều chỉnh tỷ giá lúc này không có lợi, có thể tác động dây chuyền lên các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất là lạm phát. Các biện pháp như tăng tỷ giá trung tâm, nới rộng biên độ không được tính tới.
Cũng theo thông tin từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy có giảm so với mức cao, nhưng cũng vẫn đủ lớn để bình ổn thị trường.
“Lượng dự trữ hiện tại không phải là quá “hẻo” để can thiệp. Quỹ dự trữ không có nghĩa là cất tiền đi mà là để bình ổn. Ngân hàng Nhà nước đủ ngoại tệ để can thiệp những cơn sốt như hiện tại”, ông Thúy nói.
Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khoảng 6-7 tuần nhập khẩu.
Vấn đề được dư luận quan tâm là với biện pháp can thiệp này, liệu ngân hàng trung ương có thể “cầm cự” được trong bao lâu.
Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: “Tình huống hiện tại không đến mức phải gọi là cầm cự. Các yếu tố vĩ mô trong nước cũng như xu hướng mất giá của USD trên thế giới cho thấy việc USD trong nước tăng chỉ là áp lực tâm lý tạm thời. Việc người dân rút tiền Việt ra mua USD, vàng đã tạo nên cơn sốt. Nếu can thiệp đủ mạnh tình huống có thể đảo ngược”.