4 máy bay CH-47 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã trút nước xuống lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I. Biện pháp này được thực hiện do lo ngại lò phản ứng có thể làm rò rỉ hơi nước chứa phóng xạ vì phần vỏ của lò bị hư hại.
Trực thăng CH-47 lấy nước đổ xuống làm mát lò phản ứng nhà mát điện hạt nhân Fukushima số I. |
Nước biển làm mát lò hạt nhân
Trong khi đó, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết sẽ triển khai lưới điện tạm thời nhằm hỗ trợ hoạt động bơm nước vào các lò phản ứng và các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.
Cảnh sát thành phố Tokyo có kế hoạch sử dụng xe tải vòi rồng nhằm làm mát bể chứa thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 4 để hạn chế thảm họa. Chính phủ Nhật Bản cho biết lực lượng quân sự Mỹ sẽ sử dụng máy bay do thám không người lái Global Hawk để chụp hình bên trong khu vực lò phản ứng số 4.
Trong số 6 lò phản ứng tại Nhà máy Fukushima, 70% số thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 1 và 33% số thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 2 đã bị hư hại. Lõi của các lò phản ứng số 1, 2, 3 được cho là đã bị nóng chảy một phần do hệ thống làm mát bị hỏng.
Theo hãng tin Kyodo, đến chiều 17.3 lượng phóng xạ hạt nhân ở Nhà máy Fukushima vẫn không giảm sau khi phun nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa cho biết, sẽ mượn máy bơm của lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản và phối hợp với lực lượng cảnh sát để bắt đầu phun nước bằng xe vòi rồng nhằm tiếp tục làm mát các lò phản ứng.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ lò phản ứng số 5 và số 6 để có các biện pháp đối phó thích ứng và kịp thời.
48 giờ căng sức
Cùng ngày, về sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, ông Thierry Charles - một quan chức của Viện Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân Pháp (IRSN), nói rằng: "48 giờ tiếp theo sẽ là thời khắc quyết định. Tôi đang bi quan vì từ hôm 13.3 đến nay, hầu như tất cả các giải pháp đều không hiệu quả". Ông Thierry mô tả tình hình hiện tại như "một rủi ro lớn", nhưng có nói thêm rằng: "Không phải tất cả sẽ mất đi".
Khi được hỏi về lượng phóng xạ tối đa có thể phát tán ra không khí, ông Thierry nói: "Phạm vi ảnh hưởng sẽ tương tự thảm họa Chernobyl". Francois Baroin - một phát ngôn viên của Chính phủ Pháp, còn lo ngại xa hơn, rằng: "Trong trường hợp tồi tệ nhất, thảm họa này còn nghiêm trọng hơn Chernobyl”.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản. Đây là cuộc họp khẩn cấp bất thường đầu tiên của Ban Giám đốc gồm 35 thành viên của IAEA trong 2 năm qua.
Đánh giá về nguy cơ của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho rằng, tình trạng rò rỉ phóng xạ tại các lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân này là đáng lo ngại.
Cho đến nay, IAEA đã phái hai nhóm chuyên gia về an toàn hạt nhân và phòng chống phóng xạ đến hỗ trợ Nhật Bản xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Đề cập đến sự cố hạt nhân tại Nhật Bản, Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) - ông Guenther Oettinger, cho rằng tình trạng rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I sau thảm họa động đất vừa qua hiện rất nguy hiểm, đe dọa gây ra một thảm họa hạt nhân có thể khiến nhiều người thiệt mạng.
Phát biểu trước một ủy ban của Nghị viện châu Âu, ông Guenther Oettinger cho rằng hiện khu vực xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã nằm ngoài tầm kiểm soát và trong những giờ tới có thể sẽ xảy ra thêm những sự cố nguy hiểm khác đe dọa tính mạng người dân trên hòn đảo này.
Quang Minh