Dân Việt

DN chưa nhận thức đúng về sản xuất sạch hơn

18/03/2011 09:33 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo thường niên “Triển khai thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”, diễn ra tại Hà Nội hôm 16.3.
img
Sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh - môi trường tại Công ty Honda Việt Nam.

Theo kết quả điều tra tình hình thực hiện sản xuất sạch hơn (SXSH) tại 63 tỉnh, thành đến cuối năm 2010 thì chỉ có 11% doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp (tương ứng 1.034 DN) áp dụng SXSH, trong đó tỷ lệ đạt mục tiêu chiến lược (mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu giảm 5-8%) chỉ là 3%.

Doanh nghiệp chưa tự thực hiện sản xuất sạch hơn

Theo ông Trần An - Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn EPRO, hiện cả nước mới chỉ có 8 tỉnh/thành phố đáp ứng được mục tiêu chiến lược (chiếm 25% DN sản xuất công nghiệp thực hiện SXSH) là An Giang, Quảng Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Cao Bằng, Đồng Nai, Hà Nội và Thái Nguyên.

Ông Hà Quang Hưng - Ban điều hành SXSH tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện tại Phú Thọ chưa có DN nào tự thực hiện SXSH. Số lượng các DN thực hiện SXSH còn quá ít so với tổng số các DN sản xuất trên địa bàn. Lực lượng cán bộ hỗ trợ SXSH còn quá thiếu và yếu cộng với nguồn lực hạn chế nên 4 năm qua, kết quả thực hiện SXSH "không được là bao".

Bà Bùi Thị Nga - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường, Sở Công Thương TP.Cần Thơ, nêu một thực tế: SXSH ở Cần Thơ hiện nay mới chỉ là "tiềm năng". Bởi với hơn 9.000 DN và cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó đa số là các DN vừa và nhỏ, tiềm lực yếu, không thể cùng một lúc các DN có khả năng thay đổi toàn bộ thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu bằng công nghệ sạch; vì thế việc cải tiến công nghệ chỉ có thể theo từng công đoạn của DN.

"Năm 2010, Cần Thơ mới chỉ chọn 10 DN hỗ trợ tư vấn đánh giá tiềm năng áp dụng SXSH; còn phần lớn lãnh đạo các DN đều chỉ quan tâm đến công tác kinh doanh, không xem việc quản lý nội vi trong sản xuất hay SXSH là tầm quan trọng" - bà Nga cho biết.

Cần có quy định bắt buộc

Bà Bùi Thị Nga cho rằng, do mục tiêu chiến lược của Chính phủ là áp dụng SXSH được tiến hành trên quan điểm Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật trên cơ sở tự nguyện và phát huy nội lực của các DN, nên trong kế hoạch hành động, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương và các DN phải được xem là nhiệm vụ hàng đầu không thể thiếu.

Thực tế hiện nay, cả nước mới chỉ triển khai các mô hình trình diễn của SXSH. Kinh phí Nhà nước mới chỉ hỗ trợ một vài DN và địa phương thực hiện việc này. Ông Cao Duy Bảo-Trung tâm Môi trường và sản xuất sạch Hà Nội, thừa nhận: Kết quả đạt được của các mô hình trình diễn rất tốt.

Ví dụ: Đánh giá hiệu quả của 23/43 DN áp dụng SXSH giai đoạn 2 trong thực hiện các dự án trình diễn năm 2010 cho thấy, mức giảm tiêu thụ than là 23,2%, nước 23,7%, điện 9,1%, dầu FO/DO 87,6%. Đáng chú ý, 23/23 DN không còn bị khiếu kiện về môi trường. Một số nhà máy được đưa ra khỏi danh sách gây ô nhiễm, phải di dời.

Các số liệu quan trắc cũng cho thấy môi trường xung quanh các nhà máy được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, để triển khai đại trà và để mọi DN đều tự nguyện áp dụng thì còn gặp quá nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính vẫn là nguồn lực của DN còn yếu, nếu không có chính sách hỗ trợ DN sẽ khó thực hiện.

Theo đề xuất của ông Hà Quang Hưng, để SXSH tiếp tục phát triển, các địa phương cần xây dựng kế hoạch dài hạn về SXSH, trong đó chú trọng đi sâu vào công tác hỗ trợ kỹ thuật thực hiện trực tiếp tại DN. Các văn bản pháp luật cần có hiệu lực lớn hơn mang tính bắt buộc cao hơn. Các bộ phận cán bộ hoạt động trong lĩnh vực SXSH phải được đầu tư, bổ sung đào tạo năng lực...

Bà Bùi Thị Nga cũng kiến nghị, khi xây dựng Chiến lược SXSH, các địa phương cũng phải căn cứ vào số liệu khảo sát thực tế. Các chỉ tiêu xây dựng phải cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và dựa trên quan điểm chung là góp phần thực hiện bảo vệ môi trường, định hướng phát triển ngành công nghiệp bền vững.