Đa số những người Việt đi lao động tại Hàn Quốc còn trẻ và độc thân, nên rất nhiều người đã tìm được bạn đời và kết hôn tại nước bạn. Các đám cưới bao giờ cũng tổ chức vào Chủ nhật hoặc các ngày lễ. Lý do là ngày thường cả cô dâu - chú rể lẫn quan khách đều phải đi làm.
Cung và cầu
Ngay trong tuần đầu tiên ở Seoul, tôi quen một anh bạn thú vị, nhờ anh mà biết được nhiều điều thú vị về cuộc sống của người lao động VN tại Hàn Quốc. Anh tên Hùng - giảng viên một trường ĐH lớn tại Hà Nội, vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ công nghệ thông tin tại ĐH Korea - một trong những trường ĐH tốt nhất Hàn Quốc, và chuẩn bị sang Mỹ nghiên cứu sau tiến sĩ (Post-doc) cũng tại một trường ĐH hàng đầu.
Ban nhạc của người lao động Việt (góc trái) góp vui cho đám cưới. |
Điều thú vị về Hùng là anh rất say mê âm nhạc, có khi còn say mê hơn công nghệ thông tin là chuyên môn chính của anh. Hùng tham gia một ban nhạc, thỉnh thoảng đi chơi cho các đám cưới, vừa để thỏa mãn say mê cá nhân, vừa để giải trí, và cũng để kiếm tiền. Hùng rủ tôi, nếu có dịp, theo ban nhạc của anh đi chơi cho đám cưới. Dĩ nhiên là tôi hào hứng nhận lời.
Tôi đã gặp may. Khi đó đúng vào dịp Trung thu (Chuseok). Trung thu là ngày lễ quan trọng nhất của người dân Hàn Quốc, là lúc mọi thành viên trong gia đình, dù ở xa cũng cố gắng trở về đoàn tụ, hàn huyên, cảm tạ tổ tiên và quây quần bên mâm cỗ, tương tự như ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam.
Ngày nghỉ Chuseok đầu tiên, chúng tôi đi Ansan - thành phố vệ tinh của Seoul, nơi có rất nhiều lao động người Việt. Cùng đi là Mịch, một chàng trai nhỏ bé, quê Nam Định, sang lao động ở Hàn Quốc từ 5 năm nay. Mịch có cái tên quê mùa, nhưng rất tài hoa. Anh tự học nhạc và chơi organ rất hay.
Ba đám cưới đồng thời được tổ chức trong ba phòng cưới của một tòa nhà. Ngoài ban nhạc của Hùng và Mịch, còn có hai ban nhạc khác. Thành viên của các ban nhạc đều là chỗ quen biết. Họ sống rải rác ở nhiều thành phố khác nhau, chỉ tập trung chơi nhạc khi có yêu cầu.
Việc tổ chức đám cưới Việt - Hàn trước kia là tự phát, nhưng dần dần được "chuyên nghiệp hóa". Một vài người có kinh nghiệm tổ chức đứng ra lập công ty, xây dựng đội ngũ phục vụ, cung cấp MC, ban nhạc, và ký hợp đồng dịch vụ.
Tuy nhiên, nói "chuyên nghiệp" cũng là theo thời vụ, vì ngày thường các ông chủ vẫn đi làm ở nhà máy như những người lao động bình thường. Một trong ba MC (hay chủ hôn theo cách gọi ngày trước), tên là H, một người phụ nữ khá đẹp. Chị cho tôi biết rằng sau ba đám cưới này sẽ có ba đám cưới tiếp theo.
Ước mơ miền viễn xứ
Không khí đám cưới cũng ồn ào, lộn xộn chẳng khác gì ở quê nhà Việt Nam, ngoại trừ vài chữ Hangul và sự hiện diện của mấy cô phục vụ cùng đôi ba vị khách người Hàn Quốc. Thủ tục, trình tự đám cưới cũng như kịch bản và lời dẫn của MC cũng giống ở Việt Nam. Đúng hơn, phải nói rằng những người Việt đã đem đến đây tất cả những thói quen của họ ở quê nhà. Tôi để ý rằng tất cả những người đến dự đều chỉ chừng ngoài 20 tuổi. Đó là một đám cưới không có người già.
MC giới thiệu đại diện hai gia đình lên phát biểu. Đó cũng là 2 người bạn của cô dâu và chú rể. Đại diện của chú rể, chừng 27-28 tuổi, quần bò áo vét, run đến nỗi nói không nên lời. Kết thúc "bài phát biểu", anh rụt cổ chạy ù xuống ghế, vừa chạy vừa phân bua: "Cả đời mình chưa phải phát biểu bao giờ!".
Xúc động nhất là lúc MC mời cô dâu chú rể nói lời cảm ơn bố mẹ hai bên vào camera. Những lời mộc mạc của họ khiến tôi chảy nước mắt. Anh bạn cùng bàn giải thích rằng cảnh đó sẽ được “ban tổ chức” ghi đĩa và gửi về Việt Nam cho gia đình.
Tiếng nhạc đinh tai từ ba ban nhạc đồng thời chơi trong ba phòng cưới trên cùng một tầng nhà khiến mấy cô phục vụ người Hàn liên tục đề nghị giảm bớt âm lượng. Nhưng có vẻ họ đã quen rồi nên chỉ đề nghị lấy lệ. Vị khách cùng bàn cho tôi biết, sau đám cưới, cô dâu chú rể lại ai về nhà nấy, chỉ gặp nhau vào ngày nghỉ. "Bọn em được công ty cấp nhà ở miễn phí. Nếu ở chung, sẽ phải thuê nhà" - anh nói. Anh còn cho biết, nếu có con, thường chỉ sau vài tháng là các cặp vợ chồng trẻ gửi con về cho ông bà ở Việt Nam vì "nhà ở, bệnh xá, nhà trẻ, việc làm, quá nhiều vấn đề...”.
Một thực khách đứng dậy đề nghị mọi người chạm cốc mừng hạnh phúc cô dâu chú rể. Anh nói: "Vì hoàn cảnh mà chúng ta phải tha phương cầu thực xứ người thế này. Đám cưới không có gia đình, nhưng anh em ta là một gia đình lớn. Chúc cô dâu chú rể và anh em kiếm được tiền, về nhà làm ăn khấm khá...”.
Lúc ra về, Mịch bảo tôi: "Đầu năm tới em lập gia đình. Anh làm đại diện nhà trai nhé". Đám cưới của Mịch chắc chắn sẽ đặc biệt ở chỗ có đại diện là người già. Sang năm tôi 49 tuổi.
Ngô Tự Lập