“Cháy hàng” vì chênh lệch giá quá cao
Tại các siêu thị bán hàng bình ổn giá ở TP.HCM, với mặt hàng đường và dầu ăn, khách hàng chỉ được mua với lượng hạn chế. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị Co.op Mart quy định, khách hàng chỉ được mua 2kg đường và 1-2 chai dầu ăn. Quầy bình ổn giá của cửa hàng Foocomart ở quận 8 chỉ còn lèo tèo vài mặt hàng như gạo, trứng, còn đường và dầu ăn thì không thấy trên kệ.
Khách hàng chọn mua gạo tại một siêu thị bán hàng bình ổn giá tại TP.HCM. Nhiều mặt hàng bình ổn ở đây được bán với số lượng giới hạn. |
Ông Võ Văn Ân - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn cho biết, vẫn đáp ứng đủ số lượng đường và dầu ăn bình ổn giá cho siêu thị như đã cam kết, nhưng bà Bùi Hạnh Thu - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op lại cho rằng, do chênh lệch giá quá cao giữa hàng bình ổn và thị trường bên ngoài nên phải hạn chế bán “để tránh giới đầu cơ gom hàng”.
Ông Lê Quang Thanh - Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng
Hiện giá đường bình ổn chênh 4.000 đồng/kg và dầu ăn là 8.000 - 10.000 đồng/lít so với bên ngoài nên siêu thị đưa ra bao nhiêu là hết ngay bấy nhiêu. Nhiều mặt hàng bình ổn giá khác như trứng, thịt cũng có giá chênh lệch cao so với thị trường (từ 10-15%).
Tại siêu thị Intimex Hào Nam (Hà Nội), mặt hàng dầu ăn bán theo giá bình ổn cũng chỉ còn vài loại. Các loại dầu cao cấp như Simply, Neptuyn đã không còn để bán. Nhân viên siêu thị này chỉ cho biết do nhà cung cấp “chưa kịp bổ sung”.
Tại Đà Nẵng, từ nửa tháng qua, trên các kệ, gian hàng bán sản phẩm bình ổn giá tại siêu thị BigC, Metro, Chợ Lớn, Co.op Mart... đều trống rỗng hàng hóa dù thời điểm cam kết bán hàng bình ổn giá vẫn còn hơn 1 tháng nữa (Sở Công Thương Đà Nẵng công bố là đến hết tháng 4.2011). Một số điểm bán hàng bình ổn giá còn hoạt động nhưng lại bán hàng theo giá thị trường, khiến khách hàng bức xúc và thất vọng.
Doanh nghiệp muốn “rút”
Ông Phạm Đắc Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh (đơn vị được UBND TP. Đà Nẵng giao phục vụ thịt heo bình ổn giá cho thị trường) cho biết: Suốt 4 năm thực hiện nhiệm vụ này, chưa khi nào công ty gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nguồn hàng như năm nay. Xăng dầu tăng giá, kéo theo thị trường lương thực, nhu yếu phẩm tăng, thì dịch bệnh bùng phát nhiều nơi, làm cho thị trường khan hàng và đẩy giá lên...
Ông Lê Quang Thanh - Phó Giám đốc Co.op Mart Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tính đến việc hủy cam kết với thành phố về việc tiếp tục tham gia bình ổn mặt hàng. Lý do, nguồn hàng bị đẩy giá lên quá cao. Trong đó, thịt heo khan hiếm, kéo theo nhiều thực phẩm thay thế như thịt bò, hải sản, rau củ quả... cũng “cháy hàng”. Nếu bán hàng như cam kết, siêu thị lỗ nhiều tỷ đồng mỗi tháng.
Ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng thừa nhận: Nhiều doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm đang xin “rút chân” khỏi danh sách tham gia bình ổn và xin tăng giá hầu hết các mặt hàng. Sở không còn cách nào khác phải chấp nhận.
Tăng giá hàng bình ổn?
Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận: Vai trò điều tiết giá và hàng bình ổn trong lúc thị trường biến động chưa tốt nên xảy ra tình trạng "cháy" hàng bình ổn. Sở đã phải cho phép doanh nghiệp linh động điều chỉnh giá các mặt hàng thực phẩm theo thị trường song vẫn không cải thiện được nhiều tình hình này bởi nhu cầu người dân thì cao mà lượng hàng hạn chế.
Gợi ý giải pháp khắc phục khó khăn, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “Các sở ban ngành nên xem xét giúp doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào khâu sản xuất tạo nguồn hàng, chứ không chỉ tập trung vào khâu phân phối như thời gian qua”. Ông Phú nói thêm, nếu có thể, hàng bình ổn nên bán với giá chênh lệch thấp ít hơn so với giá thị trường và nên tăng số lượng mặt hàng và đa dạng nhiều chủng loại hơn, có vậy mới tránh việc người tiêu dùng đổ xô mua hàng bình ổn...
Bà Vũ Thị Hậu - đại diện siêu thị Fivimart cũng góp ý: "Chúng ta cần phải có kế hoạch triển khai chương trình bình ổn sớm và căn cơ hơn để các DN chủ động dự trữ nguồn hàng. Chứ như hiện nay, chúng tôi đang phải chấp nhận lỗ để bán theo giá bình ổn...".
Mai Hương - Minh Phương - Vũ Vân Anh