Tặng vàng ngày cưới là một phong tục của người Việt. (Ảnh minh họa) |
Mượn vàng đeo cho... oách
Kể từ khi có ý định sẽ tổ chức đám cưới vào cuối năm nay, chị Đỗ Thị Loan và chồng sắp cưới ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã phải thắt lưng buộc bụng dành tiền để tổ chức tiệc và lo các thủ tục kết hôn.
Nhẫn cưới là vật không thể thiếu trong lễ đính hôn, nhưng đối mặt với "cơn bão" giá vàng, việc chọn mua được nhẫn cưới thực sự khó khăn với anh chị. Sắp đến ngày kết hôn mà cố gắng lắm hai người mới chọn mua được đôi nhẫn tầm tầm giá hơn 3 triệu đồng.
“Cũng may mua sớm, chứ để tới đúng ngày cưới (7-11), vàng lên tới 34-35 (34-35 triệu đồng/lượng) thì chắc phải bù ra 1 triệu nữa mới đủ” - Loan chia sẻ.
Về phần của hồi môn thì nhà chị bố mẹ vốn làm nông, điều kiện kinh tế cũng hạn hẹp nên phải vay mượn mua chiếc nhẫn 1 chỉ vàng tặng con gái cho có lệ, và để con khỏi tủi thân khi về nhà chồng.
Cũng trong tâm thế chuẩn bị đám cưới cho con gái cả, gia đình bà Nguyễn Thị Tròn (thôn 5, Vĩnh Hoà, Vĩnh Lộc, Hải Phòng) đang đau đầu lo chuyện... vàng.
Ba đời nhà bà làm nông, quần quật cả năm cũng chỉ đủ ăn, nói gì đến chuyện dành dụm mua vàng. Bà Tròn băn khoăn: “Nhà có 3 cô con gái, hai vợ chồng nuôi chúng nó ăn học đã vất vả rồi, tiền vay mượn cho nó đi học, xin việc vẫn còn đó. Nhưng khổ nỗi phong tục quê, con gái lấy chồng bố mẹ vẫn phải có vài chỉ vàng tặng con, không có cho con thì tủi con, tủi cả mình. Rồi nhà chồng người ta cũng nhìn vào mà khinh rẻ”.
Nghĩ vậy, nên bà đành bấm bụng bán nốt đôi lợn thịt trong chuồng được 3 triệu rồi vay mượn thêm để mua cho con gái 2 chỉ vàng. “Nhưng chưa kịp mua thì vàng đã lên ầm ầm. Tuần trước chỉ 6,2 triệu đồng là kéo được cho nó cái dây chuyền 2 chỉ, giờ phải gần 7 triệu, nhà nông chỉ trông vào thóc, thêm mấy trăm ngàn cũng khó” - bà Tròn rơm rớm nước mắt kể.
Vì cái lệ tặng vàng, khoe vàng trong ngày cưới mà nhiều vùng quê, khi giá vàng tăng, bắt đầu rộ lên chuyện tặng vàng cho... đẹp mặt rồi lấy lại, hoặc mượn vàng đeo trong lễ hỏi, lễ cưới cho... oách. Thậm chí có người đeo vàng giả.
Chị Nguyễn Thị Lan - chị gái của cô dâu Nguyễn Thị Huệ ở Hoa Lư (Ninh Bình) cũng thuộc gia đình khó khăn. Chồng mất sớm, một mình nuôi con. Ấy vậy mà ngày em lên xe hoa hôm 31-10, nghĩ không có quà cũng ngại, chị quyết định mang 2 chỉ vàng dành dụm được từ hồi cưới để trao tặng cô em gái.
Nói là tặng nhưng chỉ đeo cho đẹp mặt họ hàng, rồi chị lấy lại và cho em khoản tiền mặt là 3 triệu đồng. Bản thân chị cũng đi mượn dây chuyền 2 chỉ để đeo. Chị Lan cho rằng: “Thời buổi vàng tăng giá chóng mặt này, có bán cả vài tạ thóc cũng chưa đủ tiền đi đám nói gì là mua vàng làm quà cưới”.
Chuyện cho vàng rồi lấy lại khiến nhiều “người trong cuộc” ấm ức. Cô dâu Nguyễn Thị H (Tam Nông, Phú Thọ), trong ngày cưới (31-10) được mẹ chồng tặng cho cái dây chuyền vàng 5 chỉ. Hội hôn ai cũng khen cô dâu tốt phúc, mới về mà đã có món vốn to. Nhưng chỉ tới chiều tối, mẹ chồng đã gọi con dâu ra bảo: “Đám cưới lỗ mất 20 triệu đồng, 5 chỉ vàng mẹ cũng đánh chịu để tặng cho đúng phong tục. Giờ khoản tiền ấy, hai vợ chồng tự lo trả nhé”.
H mếu máo: “Lương công nhân, làm chả đủ ăn, tiền đâu mà trả từng ấy nợ, em đành phải bán dây chuyền đi để trả”.
Cửa hàng vàng vắng vẻ
Hải Phòng là địa phương nổi tiếng với tục tặng vàng trong đám cưới. Hầu như ảnh cưới cô dâu nào cũng đeo kiềng vàng rất to. Ấy vậy mà mùa cưới này, các cửa hàng vàng vắng bóng khách “truyền thống” ấy.
Chiều ngày 3-11, có mặt tại một số tiệm vàng trên địa bàn thành phố, một thực trạng chung đó là các điểm đều vắng khách. Anh Vinh - chủ cửa hàng vàng tại số 55 Dư Hàng, quận Lê Chân than thở: Đợt này hàng họ ế ẩm quá. Vào mùa cưới mà lượng khách ít, sức mua giảm đi khá nhiều so với các mùa trước đó.
Cuối giờ chiều cùng ngày, có mặt tại cửa hàng vàng bạc Liên Quân, trên địa bàn quận Kiến An, TP. Hải Phòng, khách mua vàng cũng rất ít. Bà Phạm Thị Phương Liên - chủ cửa hàng trao đổi:
Trước, cứ độ mùa cưới, lượng khách đến cửa hàng rất đông vì chúng tôi bán giá phải chăng do nhà tự gia công được, mẫu mã cũng khá đa dạng. Với biến động như hiện nay, giá cả lên cao vượt mức 34 triệu đồng/lượng, chỉ có vài ba khách đến bán vàng, khách mua hầu như không có. Có những gia đình khó khăn, không có đủ tiền mua nhẫn trao cho con ngày cưới, người mẹ đã tháo chiếc nhẫn đang đeo trên tay, sau đó nhờ cửa hàng đánh lại theo kích cỡ tay của con đã đo từ trước.
Tương tự, tại Hải Dương, Hưng Yên... các hiệu vàng cũng vắng vẻ. Trước biến động thất thường của giá vàng, các cặp đôi đến cửa hàng chọn nhẫn cũng cân nhắc rất kỹ. Năm trước chỉ 1,5-2 triệu đồng là có thể sở hữu đôi nhẫn cưới vừa mắt. Nhưng thời điểm hiện tại, loại nhẫn đôi trung bình cũng rơi vào tầm 3-4 triệu đồng nên các cặp đôi ở khu vực nông thôn cũng rất ái ngại.
Kinh doanh trong nghề đã nhiều năm, bà Liên nhận thấy, 2 năm gần đây, xu hướng bạn bè chung tiền mua vàng trơn mừng đám cưới bạn khá phổ biến. Nhưng với giá cả như hiện nay, cách mừng cưới hết sức hữu ích này cũng hạn chế hơn. Năm trước, một nhóm chơi thân với nhau có thể mua vài ba chỉ vàng ta đặc, tặng là chuyện bình thường, nhưng nay họ vào mua đều rất cân nhắc.
“Phần lớn họ chọn vàng ta nhưng là hàng rỗng, hoặc tạo kiểu. Vàng tây thì giá cả mềm hơn nhưng sức mua ít vì khi đem bán rất mất giá”- bà Liên chia sẻ.
Một hiệu vàng ở Hải Phòng vắng khách vì giá cao.Trần Phượng - Minh Nguyệt |
Theo quan niệm của người xưa, vàng là vật quý giá. Việc trao tặng vàng cho con cái, đặc biệt là con gái khi về nhà chồng là phong tục không thể thiếu. Bố mẹ trao vàng cho con cái nhằm mục đích tạo dựng cho họ chút vốn nhằm xây dựng cơ sở ban đầu. Tuy nhiên, tặng vàng hay các thứ khác cũng tuỳ điều kiện của từng nhà. Trước đây ở vùng nông thôn, có những gia đình khó khăn, khi con gái đi lấy chồng, không có vàng cha mẹ cho đôi gà con về làm vốn. Con cái cũng vui vẻ đón nhận tấm lòng của cha mẹ. - Giáo sư sử học Ngô Đăng Lợi - Chủ tịch Hội Sử học TP. Hải Phòng.
Trần Phượng - Minh Nguyệt - Phương Anh.