“5 có, 5 không” xóa tập tục cũ
Quanh năm sống nơi triền núi cao, nay đây mai đó, người Mông chỉ quen với phát nương làm rẫy, với nhiều thói quen, tập tục cũ. Để có thể thay đổi đời sống cũng như nếp nghĩ đồng bào, từ năm 2007, tỉnh Sơn La (nơi có 13% người Mông) đã đưa ra cam kết “5 có, 5 không” nơi vùng đồng bào Mông sinh sống để thay đổi những tập tục, cưới xin, ma chay… lạc hậu.
Trước đây trong gia đình người Mông có đám tang thường mổ rất nhiều trâu bò, lại không cho người chết vào áo quan và để nhiều ngày mới chôn, thì nay với cam kết “5 có, 5 không”, nhiều dòng họ Mông đã tổ chức tang lễ gọn nhẹ, không tốn kém, chỉ mổ 1 con lợn, nhà có điều kiện lắm cũng chỉ mổ 1-2 con trâu hay bò. Người chết không để quá 48 giờ và được đưa vào áo quan...
Một gia đình người Mông chuẩn bị bánh giầy cho ngày Tết. |
Đặc biệt tục thách cưới bằng bạc trắng của người Mông cũng được xóa bỏ. Ông Giàng Khưa Nếnh- Trưởng dòng họ Giàng bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: “Trước đây, con cái 13-14 tuổi, bố mẹ đã dựng vợ gả chồng và thách cưới 20-30 đồng bạc trắng và thường phải sinh 5 con trở lên để có người làm rẫy.
Từ khi cam kết “5 có, 5 không”, trong gia đình người Mông họ Giàng chúng tôi đã không để con cháu tảo hôn, không thách bạc trắng hay lấy nhiều tiền. Nhà gái chỉ lấy 1-2 triệu đồng, còn các cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con”.
Lập “kho thóc khuyến học”
Trong khi nhiều vùng chưa có giải pháp nào để giúp con em đồng bào Mông không bị thiếu đói, yên tâm đến lớp, thì huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có sáng kiến thành lập “kho thóc khuyến học” để khắc phục khó khăn này. Ông Nguyễn Phúc Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết:
“Trạm Tấu có gần 3.500 học sinh ở bán trú thì có 1.100 em là người DTTS, trong đó có nhiều học sinh người Mông, không được hưởng hỗ trợ tiền ăn. Phần lớn các em sau buổi học sáng về nhà rồi không quay lại học chiều nữa, vì đi lại khó khăn. Huyện đã vận động nhân dân xây dựng “kho thóc khuyến học” để giúp con em có cơm ăn tại trường”.
Đến nay, 100% số xã của Trạm Tấu đã lập kho thóc khuyến học và huy động được gần 18 tấn thóc và hơn 184 triệu đồng.
Ông Giàng A Lồng – Chủ tịch xã Pá Hu, một xã người Mông ở Trạm Tấu cho biết: “Các cháu đến trường, gia đình không phải đóng góp gì, tất cả lấy từ kho thóc khuyến học. Xã đứng ra quản lý, giao cho trường đi chợ, nấu nướng, ngày nào cũng xuống kiểm tra để bảo đảm cho trẻ no cái bụng, dễ học chữ”. Vì góp gạo để nuôi con cháu mình nên bà con rất ủng hộ. “Chúng nó có no cái bụng mới dễ học chữ. Nếu không học được chữ, được nghề sau này chúng không biết làm ăn thì sẽ đói mãi, nghèo mãi…”- ông Đồng Văn Tràng ở xã Pá Hu bảo vậy.
Xóa bản “trắng” đảng viên
Ông Thào Xuân Sùng - Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư
Là địa phương có nhiều bản người Mông “trắng” đảng viên ở Thanh Hóa, sau 7 năm kiên trì, huyện Mường Lát đã thực hiện xóa được bản không có đảng viên. Ông Lương Minh Thông – Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho hay: “Toàn Đảng bộ có 2.059 đảng viên, trong đó có 425 người là dân tộc Mông và đến nay không còn bản người Mông nào trắng đảng viên”.
Xã Trung Lý là điển hình về công tác xóa bản “trắng” đảng viên ở Mường Lát. Trước năm 2008, xã này có 11/16 bản không có đảng viên. Nhưng đến nay, theo ông Phạm Văn Tôn – Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý, từ chỗ chỉ có 86 đảng viên, đã tăng lên 208 người, trong đó có 65 đảng viên là người Mông, chấm dứt tình trạng thôn bản không có đảng viên nào. Riêng năm 2012, Đảng bộ đã kết nạp được thêm 25 đảng viên người Mông và trong quý I năm 2013 đã xét cho 10 quần chúng ưu tú dân tộc Mông đi học lớp đối tượng Đảng.
Việc xóa “bản trắng” đảng viên và có thêm nhiều người Mông là đảng viên, đã giúp Mường Lát xây dựng hệ thống chính trị - kinh tế vùng đồng bào Mông thêm bền vững.
Thào Minh - Hòa Bình