Dân Việt

Về với dân, đi với dân

Hoàng Trọng Thủy (ghi) 01/01/2014 10:24 GMT+7
“Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên/Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự, dân ra gánh vác”. Phép trị nước của người xưa luôn đặt “Dân” vào trung tâm của mọi sự bình yên và phát triển.
Đi trên con đường Kim Ngọc rợp mát bóng cây ở TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh của ông đi cơ sở, ngồi nhổ mạ với người nông dân, hoặc thái độ không khoan nhượng với sự trì trệ và kiểu cách làm việc hành chính, xa dân.
Ông Kim Ngọc (quần áo trắng) tháp tùng Bác Hồ về thăm tỉnh (Nguồn ảnh: TTĐT Vĩnh Phúc)
Ông Kim Ngọc (quần áo trắng) tháp tùng Bác Hồ về thăm tỉnh (Nguồn ảnh: TTĐT Vĩnh Phúc)

Sau này, trong rất nhiều lời ca tụng, trong đánh giá của người dân về tầm vóc của một con người lo chung với nỗi lo của dân, đau chung với nỗi đau của dân, rất đáng chú ý tới lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi viết: “... Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc, một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, để đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Kim Ngọc đã đi tiên phong…”.

Vậy là, nếu ngày đó – “Đêm trước của đổi mới”, “công bộc” Kim Ngọc say mê với vị trí Bí thư Tỉnh uỷ và biết đâu còn lên cao hơn nữa, mà không dành ra 30% thời gian về với dân, coi nông dân như máu thịt của mình; ăn nắm cơm nắm của nhà bếp chuẩn bị... thì hẳn hôm nay nhân dân không ngưỡng mộ ông đến như vậy!

Trong một cuộc triển lãm ảnh về Anh hùng Núp, có rất nhiều người đứng lặng lâu trước bức ảnh chụp ông Núp cùng với dân, dưới bức ảnh ghi câu nói của nhà văn Nguyên Ngọc: “Đi với ông Núp nghĩa là đi vào dân, hầu như suốt đời ông ấy chẳng đi đâu khác nữa ngoài việc đi vào dân”. Câu nói ấy như một lời tổng kết cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Núp trong hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân: “…

Hoạt động chiến đấu ở địa phương trong hoàn cảnh rất khó khăn: Địch liên tiếp càn quét, đốt làng, phá rẫy; nhân dân thì trình độ giác ngộ chưa cao, lại đói rét, thiếu muối, bệnh tật nhiều – ông Núp luôn dũng cảm đi đầu; kiên trì tổ chức vận động nhân dân vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm đánh giặc thắng lợi, duy trì và phát triển phong trào cách mạng vững chắc ở huyện Kbang, Gia Lai”.

“Suốt đời đi vào dân”, câu nói giản dị ấy của nhà văn Nguyên Ngọc viết về Anh hùng Núp lý giải vì sao người dân Ba Na, người dân Tây Nguyên trọn niềm tin với Đảng - Đảng hiện thân trong con người Núp bình dị, biết hy sinh, bình dị như “lũ làng” Sêtơ gọi ông là Bok Núp như gọi Bok Hồ.

Ở với dân cho tới khi làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, ông Núp luôn luôn đi về làng, nói với dân những điều thật như hạt lúa, hạt bắp trên nương, ông không dùng từ bóng bẩy, mị dân, ông chỉ làm những điều có ích với dân. Có bao nhiêu câu chuyện về ông nhưng tuyệt nhiên không có chuyện nào xấu. Vì thế mà sau đám tang theo nghi thức trọng thể diễn ra ở Pleiku, làng Sêtơ tổ chức thêm một lần nữa tang lễ cho người con ưu tú của họ theo cách riêng của người Ba Na.

Nhà văn Nguyên Ngọc kể rằng, sau năm 1954, khi ở Hà Nội, Núp mắc chứng bệnh mờ mắt, bao nhiêu bác sĩ giỏi bó tay. Sau này người ta mới biết, ông bị bệnh... thiếu rừng, thiếu lửa. Núp như ngọn gió đi về với dân làng.

“Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên

Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự, dân ra gánh vác”.

Cả Kim Ngọc, Anh hùng Núp đều chung điều bình tâm, giản dị: Đã là cán bộ phải hiểu dân, lo cho dân, cho nước và các ông đã suốt đời sống với lý tưởng ấy.

Phép trị nước của người xưa luôn đặt “Dân” vào trung tâm của mọi sự bình yên và phát triển. Tuy chưa được ngồi lắng nghe tâm sự của ông Kim Ngọc và Anh hùng Núp trong hoàn cảnh hai miền Nam - Bắc có chiến tranh, song rõ ràng, khi còn sống, khi suốt đời chẳng đi đâu cả, chỉ vào dân như ông Núp, hay suốt đời chỉ lo cho dân “ăn ngon - mặc đẹp - ở sang” như ông Kim Ngọc thì bản thân các ông cũng không mong ngày con đường được đặt tên mình hay mong một ngày người dân Ba Na thờ phụng. Bởi hai ông chung điều bình tâm, giản dị: Đã là cán bộ phải hiểu dân, lo cho dân, cho nước và các ông đã suốt đời sống với lý tưởng ấy.

Ngày nay, trong cơ chế thị trường, khi đồng tiền được coi như hạt nhân của “giá trị”, nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội đang đổi thay để về điểm “chuẩn”; trong sóng gió dập vùi, trong cam go, thử thách và mọi cám dỗ đời thường có một chân lý vĩnh hằng của người cán bộ đảng viên là “phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc” – nói thì dễ vậy, nhưng về với dân, đi vào dân vẫn luôn là việc làm khó!

Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN