Dân Việt

Đề cao vai trò già làng trong trợ giúp pháp lý

12/11/2012 14:21 GMT+7
(Dân Việt) - Đội ngũ già làng ở Kon Tum rất có khả năng tuyên truyền pháp luật trong thôn, làng, vì mỗi lời nói, mỗi việc làm của họ đều có ý nghĩa mang tính quyết định đến hoạt động sinh hoạt và sản xuất của nhân dân tại cơ sở.

Kon Tum là tỉnh miền núi phía bắc Tây Nguyên, có trên 53% dân số là người dân tộc thiểu số, như Xơ Đăng, BaNa, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu... Mặt bằng dân trí thấp, dân cư sống không tập trung, nhiều người chưa thông thạo quốc ngữ là những trở ngại không nhỏ trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và công tác trợ giúp pháp lý nói riêng.

Già làng ở Kon Tum đa phần là những người cao tuổi, có kinh nghiệm sống, am hiểu phong tục, tập quán, lễ nghi, tập tục của dân tộc mình, được nhân dân kính trọng, tôn sùng một cách tự nhiên trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng. Vì vậy, đội ngũ này rất có khả năng tuyên truyền pháp luật trong thôn, làng, vì mỗi lời nói, mỗi việc làm của họ đều có ý nghĩa mang tính quyết định đến hoạt động sinh hoạt và sản xuất của nhân dân tại cơ sở.

Thực tiễn triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý xuống cơ sở đều thông qua già làng, trưởng thôn để tập hợp được người dân đến nhà rông. Đôi lúc sự vận động người dân tham gia trợ giúp pháp lý của trưởng thôn không bằng sự vận động của già làng. Khi trung tâm trợ giúp pháp lý tiến hành các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, sau khi tuyên truyền, giải thích pháp luật, đều được già làng yêu cầu bà con chấp hành. Thông qua đó người dân đều nghe theo, hạn chế những vi phạm pháp luật trong cuộc sống hằng ngày.

Thực tế cho thấy, các buổi trợ giúp pháp lý lưu động có sự tham gia của già làng, người dân tham gia đầy đủ, trật tự, nền nếp hơn. Sau khi người dân được tuyên truyền pháp luật, những hành vi cố ý vi phạm pháp luật đều được già làng nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc xử lý theo quy ước, hương ước của buôn làng. Vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý của trung tâm trợ giúp pháp lý có sự tham gia của già làng thu được hiệu quả rõ rệt, thiết thực, chuyển tải đầy đủ quy định của pháp luật...

Những năm qua, các chế độ, chính sách đối với cộng tác viên là già làng đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn thấp so với vai trò và sự đóng góp của họ trong công tác trợ giúp pháp lý. Trong thời gian tới, Nhà nước nên tổ chức quan tâm hơn, đặc biệt là tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đối với cộng tác viên là già làng; có chính sách quản lý đội ngũ cộng tác viên thường xuyên, đồng thời nâng mức phụ cấp, cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động của các già làng là cộng tác viên trợ giúp pháp lý... Có như vậy mới phát huy đầy đủ ý nghĩa, vai trò của già làng trong công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và công tác trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.