Dân Việt

Bức xúc vì nông sản Việt bị o ép

13/11/2012 10:18 GMT+7
(Dân Việt) - “Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng giá gạo lại thấp hơn các nước, thủy sản bị các nước lập rào cản thương mại một cách vô lý, nông sản trong nước sản xuất bị nước ngoài đóng bao bì, dán nhãn nước họ để bán”.

Đó là thực trạng được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sáng 12.11.

Nông sản xuất khẩu bị o ép

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi: “Nước ta là một nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Tuy nhiên sản phẩm gạo Việt Nam giá rất thấp so với thị trường khu vực và trên thế giới. Xin bộ trưởng cho biết thời gian qua ngành công thương đã làm gì đối với vấn đề này, nghĩa là đã làm gì cho thương hiệu gạo Việt Nam. Bao giờ và làm thế nào hạt gạo Việt Nam mới có được thương hiệu trên thương trường quốc tế”.

img
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết đã có nhiều nỗ lực giải quyết hàng thủy sản tồn kho.

ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) bức xúc: “Chưa bao giờ tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khó khăn như hiện nay. Các nước liên tục dựng lên những hàng rào kỹ thuật không công bằng đối với tôm Việt Nam, cùng một thị trường nhưng tôm Việt Nam lại bị kiểm soát, còn nước khác thì không…”. Không chỉ riêng sản phẩm lúa gạo và thủy sản xuất khẩu, các ĐB còn nêu ra thực trạng đáng lo ngại cho nền nông nghiệp và hàng hóa nông sản Việt Nam như việc nông sản nhiều độc tố tồn dư, gà dịch, gà loại thải… từ nước ngoài tuồn vào Việt Nam… Các ĐB cho rằng, thực trạng đó không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm cho nông sản VN thua ngay trên sân nhà.

Trả lời các chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, một số nông sản VN như bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, thanh long Bình Thuận đã có thương hiệu nhưng đó chỉ là những thành công bước đầu. Trong khi đó, thương hiệu nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có nông sản chủ lực là lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, theo Bộ trưởng, có thực trạng là có nước nhập nông sản Việt về, dán nhãn mác nước khác để bán.

Về thực trạng hàng thủy sản bị tồn đọng, bị o ép, Bộ trưởng Hoàng kể ra nhiều nỗ lực của bộ và Chính phủ như: Bộ NNPTNT hướng dẫn, kiểm soát doanh nghiệp và nông dân nuôi trồng thủy sản cần khắc phục tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật; phản ứng thích hợp với các nước thông qua con đường ngoại giao cấp cao; mở rộng thị trường bằng các hiệp định thương mại song phương, đa phương... “Chính phủ cũng có giải pháp hỗ trợ về vốn cho sản xuất, kinh doanh, đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản đoàn kết, tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh, bán phá giá”- ông Hoàng nói.

Chất lượng gạo đã lên mức... trung bình

Thay đổi cơ chế quản lý xăng dầu

Về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có những điểm bất hợp lý trong điều hành giá, chất lượng xăng dầu, đặc biệt là để xảy ra tình trạng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất gây thất thu cho ngân sách. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tháng 12 tới Bộ sẽ hoàn thiện nghị định quản lý xăng dầu mới thay cho nghị định hiện nay. Tại phiên chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cũng hỗ trợ Bộ trưởng Hoàng để làm rõ nghi vấn "lỗ lớn, lương cao" ở Petrolimex. Theo ông Dũng, năm 2011, Petrolimex lỗ 1.423 tỷ, lương trung bình của cán bộ công nhân viên của tập đoàn này là 6 triệu đồng. Lương Chủ tịch Hội đồng thành viên là 58 triệu, các ủy viên Hội đồng thành viên của tập đoàn trung bình là 42 triệu, thấp hơn so với năm 2010.

Hỗ trợ Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, thực chất của việc xây dựng thương hiệu nông sản là nâng cao chất lượng và duy trì sự ổn định của chất lượng hàng hóa.

Để làm việc này, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung vào 4 khâu: Chọn, tạo và phổ biến cho nhân dân các giống có chất lượng; tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn cũng như những hình thức tổ chức để có sản lượng hàng hóa lớn và đồng đều với giá thành rẻ hơn; hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng kho, dự trữ, bảo quản đảm bảo chất lượng ổn định; xúc tiến thương mại.

“Cả 4 việc này đã có chương trình nhưng phải làm mạnh hơn và đồng bộ hơn vì đây là cả một quá trình. Nếu nhìn lại quá trình xuất khẩu gạo từ năm 1989, 1990 đến giờ thì nước ta đã chuyển dần từ nước xuất khẩu gạo chất lượng thấp sang nước xuất khẩu gạo có chất lượng trung bình”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ xem đây là trách nhiệm quan trọng và cần đẩy nhanh quá trình này. “Chúng ta nói mãi về lộ trình thì không biết đến bao giờ mới xong. Tái cơ cấu nền kinh tế là phải tái cơ cấu sản phẩm; đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ và trưởng các ngành báo cáo với Chính phủ về việc xây dựng chiến lược này. Chúng ta cần có một lộ trình công bố tiêu chí sản phẩm chất lượng của Việt Nam, lần lượt từng loại sản phẩm, nhất là sản phẩm thế mạnh của ta” - Chủ tịch QH nhấn mạnh..

Tôi cho rằng, trong vấn đề chống hàng gian, hàng giả, thực phẩm kém chất lượng thì có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vấn đề là Bộ Công Thương phải đưa ra những quy định và phải kiểm tra công vụ những cơ quan được giao trách nhiệm đó xem họ thực hiện tới đâu. Nhưng bộ chưa làm được điều này.

Tôi nghĩ Bộ trưởng phải có giải pháp để nền sản xuất hàng hóa của ta phát triển hơn, làm ra nhiều sản phẩm tốt và rẻ. Chuyện người VN sính ngoại chỉ là thiểu số thôi vì mức sống của đa phần người VN còn thấp, làm sao đủ khả năng xài hàng ngoại.

Về vấn đề hàng tồn kho, tôi muốn biết rõ vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương thế nào, giải pháp cụ thể ra sao. Theo tôi, có những yếu tố không thể chối cãi được như có tham nhũng, tiêu cực nên giá thành sản xuất bị đẩy lên quá cao khiến hàng tồn kho. Rồi năng lực dự báo thị trường yếu kém… Như vậy trách nhiệm không riêng gì Bộ Công Thương.