Dân Việt

Đầu tư chưa xứng tầm cho KHCN

13/11/2012 07:32 GMT+7
(Dân Việt) - KHCN ngày càng dược khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa nền nông nghiệp nông thôn, nhưng thực tế việc đầu tư cho KHCN còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng của lĩnh vực này…

L.T.S: Nghị quyết (NQ) 20 của Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) nhấn mạnh sẽ thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, để phục vụ cho CNH-HĐH, phục vụ nông nghiệp, nông thôn... Vậy từ bây giờ, chúng ta cần phải làm gì để đạt được mục tiêu trên trong bối cảnh đầu tư KHCN cho lĩnh vực tam nông còn hạn chế? Từ số báo này, NTNNDân Việt khởi đăng loạt bài “Khoa học công nghệ chờ cú huých” để phân tích, làm rõ hơn những vấn đề trên.

img
Nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều nếu các ứng dụng KHCN trong nông nghiệp có hiệu quả. (ảnh chụp tại xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Mục tiêu không thành hiện thực

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, đầu tư nhà nước từ vốn sự nghiệp cho KHCN nông nghiệp và nông thôn tăng trung bình 11-12%/năm. Năm 2001, kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học cho Bộ NNPTNT là 189 tỷ đồng (bao gồm cả lương và hoạt động bộ máy của các viện nghiên cứu), đến năm 2007 tăng lên 408 tỷ đồng (bao gồm cả thủy sản) và đến năm 2010 là 594 tỷ đồng. Tính chung, tổng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu KHCN của ngành nông nghiệp giai đoạn 2006- 2010 là 2.416 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: “Thực tế, Bộ NNPTNT còn tạo điều kiện để các tổ chức KHCN hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, năng lực nghiên cứu KHCN lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”. Ngoài ra, Bộ NNPTNT còn sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển trực tiếp (ODA) cho KHCN với khoảng 30 dự án hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho toàn ngành, trong đó có tăng cường năng lực nghiên cứu và ứng dụng phát triển KHCN.

Vẫn khó về kinh phí

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hiện nay, công tác quản lý KHCN ở tầm vĩ mô tuy đã đổi mới, nhưng còn chậm, việc phân công nhiệm vụ quản lý nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa thật rõ ràng, cụ thể giữa các bộ, ngành có liên quan. Việc khoán thực hiện đề tài, dự án KHCN còn khó thực hiện vì một số nội dung thiếu hướng dẫn rõ ràng (cách xác định tiền lương, tiền công cho các cán bộ nghiên cứu, quản lý…); mặt khác, đối tượng nghiên cứu của nông nghiệp là cây trồng, vật nuôi sản xuất mang tính thời vụ, chu kỳ kinh doanh dài, nên quyết toán theo năm tài chính sẽ khó thực hiện.

Trong 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp nhà làm việc, mở rộng quy mô, tăng cường một số trang thiết bị hiện đại cho 8 tổ chức KHCN thuộc Bộ NNPTNT.

Bên cạnh khó khăn về kinh phí, theo Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NNPTNT), dù trong những năm qua, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật của một số tổ chức KHCN đã được tăng cường, tạo điều kiện làm việc tốt cho cán bộ khoa học trong công tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Trong 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp nhà làm việc, mở rộng quy mô, tăng cường một số trang thiết bị hiện đại cho 8 tổ chức KHCN thuộc Bộ NNPTNT.

Song theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, xét về tổng thể, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu chỉ có dưới 10% tổ chức KHCN nông nghiệp ngang tầm khu vực. Nhiều tổ chức KHCN thuộc Viện KHNN Việt Nam, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam… chưa được đầu tư tăng cường năng lực. “Do đầu tư chưa tương xứng, nên có tình trạng thiếu trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm, chuyển giao; nhiều phòng thí nghiệm lạc hậu, không đồng bộ, thiếu nhiều thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ cho nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường” - ông Bổng nói.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân: “Hãy tin vào giới khoa học!”

Từ năm 2000, Quốc hội đã phê chuẩn, hàng năm chi 2% ngân sách nhà nước cho KHCN, từ đó đến nay chúng ta luôn duy trì. Tuy nhiên, việc huy động đầu tư của xã hội cho KHCN còn khó khăn, doanh nghiệp (DN) không chịu đầu tư đổi mới công nghệ của chính họ cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của KHCN của đất nước.

Hiện nhiều DN sẵn sàng dành một phần lợi nhuận của họ đề đầu tư cho KHCN, thậm chí là một phần lợi nhuận lớn của họ để đổi mới KHCN của họ. Tuy nhiên, với quy định hiện hành của chúng ta chỉ mang tính khuyến khích, cho giới hạn tối đa 10% lợi nhuận trước thuế, thì kể cả DN có trích cũng không đủ để đổi mới công nghệ của chính họ. Quy định của chúng ta lại quản lý toàn bộ 100% phần trích ra cho KHCN như là quản lý phần ngân sách nhà nước. Trong khi trên thực tế, khi người ta lập quỹ này và trích lợi nhuận trước thuế của họ vào quỹ, Nhà nước chỉ cho họ có 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Hay nói cách khác, 75% còn lại là tiền của doanh nghiệp, nếu họ nộp thuế, thì 75% là lợi nhuận sau thuế, họ toàn quyền sử dụng phần kinh phí này cho bất kỳ công việc nào của họ.

Nhà nước trước hết phải tin vào giới khoa học, giao tự chủ cao nhất vào giới khoa học. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo phải chuyển dần việc xây dựng các nhiệm vụ KHCN theo phương thức đặt hàng. Có nghĩa là Nhà nước đặt hàng các nhà khoa học để thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nhà nước. Khi đó Nhà nước đảm bảo cung cấp kinh phí, đảm bảo tiếp nhận lại kết quả nghiên cứu khi mà thành công; tổ chức đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất và kinh doanh. Nói tóm lại, muốn thay đổi, phải thay đổi trước hết ở cơ chế tổ chức và hoạt động, trong đó có cơ chế tài chính cho KHCN.