Dân Việt

Giá vàng chênh với thế giới nhưng không ảnh hưởng tới CPI

13/11/2012 10:01 GMT+7
Dân Việt - "Giá vàng trong nước quốc tế chỉ chênh nhau khoảng 3 triệu đồng/lượng. Dù chênh lệch như vậy nhưng không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, nên không ảnh hưởng tới CPI", thống đốc NHNN trả lời chất vấn.
img
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 13.11

Sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng kết thúc phần trả lời, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đăng đàn trả lời những câu hỏi nóng liên quan tới quản lý thị trường vàng, nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng...

Trước khi các đại biểu (ĐB) chất vấn Thống đốc Bình, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: Sau đây đều là những vấn đề rất nóng, nhưng hi vọng chúng ta sẽ giải quyết một cách bình tĩnh.

ĐB Dương Hoàng Hương mở màn: Thời gian qua có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thống đốc cho biết giải pháp. Còn lượng vàng rất lớn trong dân cư. Thống đốc cho biết làm gì để huy động được lượng vàng này?

ĐB Nguyễn Văn Tuyết: Vì sao cơ chế quản lý thị trường vàng chưa đem lại hiệu quả, chưa đem giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. NHNN sao không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu vàng. Có lợi ích nhóm hay không?

ĐB Trần Ngọc Vinh (HP): Chi phí đóng thương hiệu vàng miếng SJC trước đây là 7.000đ/lượng, trong khi hiện nay chi phí là 50.000đ/lượng. Mức chi phí này do ai đặt ra, sử dụng thế nào?

Hoạt động mua bán vàng miếng của ta mang tính lâu đời. NHNN có giải pháp nào để phát triển lành mạnh thị trường vàng? Đảm bảo thông suốt, hạn chế tiêu cực trong thị trường này?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới:

Trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước có biến động, tạo ra chệnh lệch cũng gây ra nhiều biến động về kinh tế vĩ mô. Nếu giá vàng trong nước cao hơn thế giới chỉ cần ở mức 400.000đ đã có hiện tường đầu cơ, buôn lậu vàng rất lớn. Trước khi NĐ 24 có hiệu lực, lượng vàng buôn lậu tới 10 – 20 tấn vàng/năm.

Các đối tượng thu gom vàng chợ đen làm cho tỉ giá thị trường chợ đen tăng cao, khiến thị trường chính thức tăng lên làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu. Do vậy, làm đội giá sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới CPI và ảnh hưởng tới lạm phát.

Giá vàng làm ta chảy máu ngoại tệ, do vậy, vàng miếng tuy không phải là mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho quốc kế dân sinh nhưng vì tính chất ảnh hưởng của nó quá lớn tới kinh tế vĩ mô nên buộc lòng chính phủ và NHNN phải cho phép nhập khẩu vàng chính thức để ổn định vàng trong nước, sát với giá quốc tế.

Nhưng hiện nay, thấy được những khiếm khuyết trong thị trường vàng hiện đang hoàn toàn bỏ ngỏ, không ai quản lý cả. Mỗi bộ ngành chỉ quản lý một khúc trong cả thị trường.

Để chấn chỉnh, chúng tôi đã xây dựng NĐ 24 từ năm 2009, nhưng vì động chạm tới nhiều lĩnh vực kinh doanh nên trải qua nhiều khâu, tới 2011, mới ban hành được NĐ và có hiệu lực từ 25.5.2012. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng như Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, các đơn vị khác chấm dứt việc sản xuất vàng miếng.

Kể từ đó, chúng tôi giám sát thị trường và thấy đạt được mục tiêu đề ra: hiện tượng nhập vàng đã được hầu như ngăn chặn, trên thực tế là từ tháng 4 trở lại thị trường ngoại tệ tỉ giá ổn định, giá vàng trong nước quốc tế thu hẹp khoảng cách, chỉ chênh nhau khoảng 3 triệu đồng/lượng. Dù chênh lệch như vậy nhưng không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, nên không ảnh hưởng tới CPI.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Tuyết vì sao không quản lý chất lượng mà lại quản lý thương hiệu vàng, Thống đốc Bình nói:

Do chúng ta trước đây không quản lý về chất lượng vì coi vàng là một loại hàng hóa thông thường và thực tế không có ai quản lý chất lượng vàng. Vì thế, chúng tôi xây dựng NĐ 24 để quản lý chất lượng vàng, đảm bảo quyền lợi người có vàng.

Còn về vàng miếng đã được dập, thị trường có nhiều mác khác nhau. Trên cơ sở phân tích, lượng vàng mang nhãn hiệu SJC là mác được thị trường lựa chọn hơn mười mấy năm qua, chiếm tới hơn 90% thị trường vàng (nằm trong dân, trong các DN) vì thế nên chúng tôi chọn SJC.

“Bước đầu tiên ta phải chuẩn hóa về một loại vàng uy tín nhất, chất lượng cao nhất. Theo quy định về nhãn mác, trách nhiệm do người sản xuất phải chịu. Tiếp đó, không loại trừ khả năng NHNN sẽ có một mác làm riêng của mình để song hành với mác này khi kinh tế ổn định. Sắp tới, toàn bộ mạng lưới buôn bán vàng miếng sẽ được cấp phép và cũng sẽ tiến hành quy chuẩn máy kiểm định chất lượng vàng”, ông Bình khẳng định.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Ngọc Vinh về giá dập vàng miếng, ông Bình khẳng định chưa thấy chỗ nào, kể cả SJC từng có giá 7.000 – 8.000đ để dập một lượng vàng.

“Tôi đã đánh giá đầy đủ giá 50.000đ dập lượng vàng SJC. Trước đây SJC có một khung giá, nhưng khi các đơn vị khác mang đến để dập nhờ thì SJC lấy cao hơn cả 50.000đ. Nhưng nay biểu giá này là do Nhà nước quy định và là mức hợp lý”, Thống đốc nói rõ.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Thống đốc Bình, ĐB Nguyễn Văn Tuyết đặt câu hỏi thêm: Lý giải về giá vàng trong nước và thế giới của Thống đốc chưa thuyết phục. Thống đốc đừng nghĩ là dân không biết gì?

Thống đốc nói giá vàng không ảnh hưởng tới nền kinh tế, vậy sao trong nghị quyết (NQ) của Quốc hội kỳ họp này vừa mới thông qua có nêu vấn đề khắc phục bất cập giá vàng trong nước, liên thông với giá vàng quốc tế. Với cách trả lời của Thống đốc như vậy, liệu Thống đốc có thực hiện NQ của Quốc hội hay không?

Thống đốc Bình tiếp tục trả lời

Về câu hỏi thêm của ĐB Tuyết, NQ của Quốc hội năm 2011 đề ra, phải đảm bảo giá vàng trong nước và quốc tế sát nhau, vì thế lúc đó NHNN đã cho phép nhập vàng để đảm bảo hai giá vàng bám sát nhau. Nhưng trong giai đoạn đó chúng tôi đã xây dựng gần xong NĐ 24 nên khi NĐ 24 chính thức có hiệu lực (5.2012), chúng tôi kiên quyết không cho phép nhập bất kỳ kg vàng nào nữa vì môi trường pháp lý đã thay đổi.

Còn lần này, NQ của QH cũng có nói về nội dung đó. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ sẽ có ý kiến về vấn đề này với Quốc hội.

Tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội trong phiên chiều 13.11, Thống đốc NHNN vẫn nhận được những câu hỏi của đại biểu quanh các vấn đề của thị trường vàng.

Trả lời câu hỏi "Sao lại bắt người dân chuyển đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC?", Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định:

Trong Nghị định 24 không có điều khoản nào bắt đổi như vậy mà nói rõ các thương hiệu vàng khác vẫn được lưu hành bình thường. Quyền lợi người dân cũng được quy định rõ trong Nghị định 24 là người dân vẫn có quyền lưu giữ vàng miếng.

Nếu chúng ta tiếp tục để tình trạng vàng hóa như thời gian qua thì có một nguồn lực lớn nằm trong vàng, phải khơi thông nguồn vốn này để tạo tăng trưởng tín dụng góp phần tăng trưởng kinh tế.

>> Xem tiếp: Thống đốc trả lời chất vấn về xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp