Rừng đặc dụng kêu cứu
Đến chiều tối 3 -11, mực nước hồ thủy điện Đồng Nai 3 đã lên cao trình 550m, tương đương gần 500 triệu m3 nước và đã nhấn chìm những căn nhà cuối cùng ở thôn 1, xã Đăk Plao. Người dân tiếp tục tháo dỡ nhà cửa, đóng bè kéo vào các tiểu khu 1803, 1807, 1811 thuộc phân khu phục hồi sinh thái, Khu BTTN Tà Đùng.
Ông Lê Quang Dần - Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng
Trước đó, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Khu BTTN Tà Đùng, tính đến ngày 12 - 10 đã có 45 căn nhà kiên cố, lều tạm do người dân thôn 1 và thôn 3 xây dựng trái phép trong lâm phần.
Ngoài ra, 44 hộ khác không nhận tiền đền bù, nhà tái định cư, đất sản xuất cũng đang chuyển nhà vào rừng đặc dụng. Còn tính chung từ tháng 5 - 2009 đến nay, Kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng đã phát hiện tổng cộng 25 điểm phá rừng trái phép, gây thiệt hại 12,3ha rừng đặc dụng, đó là chưa kể khoảng 200ha nương rẫy cũ của dân Đăk Plao.
Trên thực tế, ý đồ vào rừng đã manh nha từ khi các thôn vùng lòng hồ có đơn xin đất để di dời mồ mả vào rừng đặc dụng. Tại công văn phúc đáp ngày 28-7- 2010, lãnh đạo Khu BTTN Tà Đùng đã kiến nghị UBND huyện Đăk Glong không nên chấp thuận, trường hợp bất khả kháng thì phải đảm bảo rằng việc làm nghĩa địa không là lý do, là tiền đề của việc kéo vào rừng định cư. Bất chấp hiệu lực từ các văn bản trên, tính đến ngày 3 - 11, đã có 3 nghĩa địa từ vùng ngập lòng hồ chuyển vào lâm phần Khu BTTN Tà Đùng.
Dân cự tuyệt khu tái định cư
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù đã cúng làng mới, nhưng 38 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu của thôn 1 lại sinh sống rải rác dọc suối Đăk RKu, hàng chục hộ khác thuộc thôn 3 lại chọn suối Đạ Tông để lập làng. Trong điều kiện thời tiết bình thường, họ phải bơi qua hồ thủy điện Đồng Nai 3, đi bộ thêm khoảng 4 giờ mới vào được làng mới. Hiện các hộ này chỉ sống bằng một ít sắn, ngô trên rẫy cũ, nguy cơ bị đói là điều khó tránh khỏi.
Ngoài ra, khoảng 60 học sinh các cấp cũng đã bỏ học từ 2 tháng nay, sau một thời gian được phụ huynh gửi nhờ người quen ở khu tái định cư cách đó 40km. Chúng tôi hỏi vì sao không về khu tái định cư sinh sống, ông KKệ - già làng thôn 1 - chỉ lắc đầu: “Không có nguồn nước, đất xấu, nhà ở cũng không phù hợp với tập quán sinh sống của bà con”.
Không chỉ như già làng phản ánh, hiện khu tái định vẫn còn hơn 100 căn nhà chưa xây dựng, dân phải dựng lều ở tạm. Hàng loạt căn nhà cấp cho dân thôn 4, thôn 5 đã sập tường rào, cổng ngõ, đất sạt lở đến tận cửa... Lãnh đạo Khu BTTN Tà Đùng cũng nêu ý kiến: “Đây không đơn thuần là vấn đề bảo vệ, phát triển rừng, mà có liên quan đến chủ trương, chính sách tái định canh, tái định cư và nhiều lĩnh vực khác nên Kiểm lâm Tà Đùng không đủ thẩm quyền để giải quyết”.
Còn ông Phạm Đặng Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện - lại cho biết: “Họ chỉ ở tạm thôi, vài bữa huyện sẽ cưỡng chế hết, rừng đặc dụng làm sao mà ở được”. Cưỡng chế, di dời những hộ này đi đâu? Chưa biết vấn đề sẽ được UBND huyện và Ban quản lý dự án thủy điện 6 giải quyết ra sao
Đồng Nguyên