Dân Việt

Bóng ô xuống chợ

24/03/2011 14:50 GMT+7
(Dân Việt) - Chẳng biết chiếc ô đã đến làm bạn cùng đồng bào Mông ở Tây Bắc tự bao giờ mà từ thuở ông cha, bản làng đã dùng ô trong mọi lễ thức quan trọng nhất của đời người?

"Cùng anh che ô xuống chợ/ Rồi mai chung một mái nhà/ Hạt mưa thì thầm trên lá/ Ô xe duyên ấm đôi mình..."

Ô cùng mẹ lên nương, cùng bà ra suối, cùng chị vào hội, cùng em đến trường. Sẽ chẳng còn sắc màu duyên dáng nếu phiên chợ bản Mông không còn cảnh "sơn nữ, sơn nam, tay khèn, tay ô dập dìu sóng bước"...

img
Múa ô ở chợ tình.

Người già ở bản bảo rằng, dùng ô đâu chỉ là một thói quen, một tập quán sinh hoạt truyền thống mà chiếc ô là người bạn, luôn gắn bó mật thiết với đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Mông tự ngàn đời.

Ngày trước, khi giao thương các miền còn hạn chế, đồng bào tự may ô để phục vụ sinh hoạt và hầu như bản nào cũng có vài ba nghệ nhân làm ô rất đẹp. Dần dần giao thương phát triển, hàng hóa nhiều lên, ô đủ màu sắc, kiểu loại được bày bán la liệt khắp các chợ phiên, giá lại rẻ nên bà con bảo nhau không làm ô nữa mà mua về sử dụng.

Người lớn tuổi thì lựa cho mình những chiếc ô có kích thước rộng, màu đen giống kiểu ô truyền thống tự làm từ xưa. Người trung tuổi dùng ô sẫm màu. Thanh niên trẻ chọn ô màu sáng, có họa tiết hoa văn trang trí đẹp, kiểu dáng nhỏ, gọn thuận tiện khi mang bên mình.

Đồng bào Mông thuộc các nhánh, các tộc khác nhau cũng có "gu" riêng để chọn kiểu ô. Người Mông đen chọn ô tán rộng, màu đen; tộc Mông Hoa ưa ô tán nhỏ, sáng màu, nhiều họa tiết hoa văn; người Mông Xanh chỉ dùng ô tán vừa với các múi màu trắng, xanh, đen pha trộn...

Một ngày nắng đẹp, ngược ngàn Tây Bắc, ta sẽ gặp những thiếu nữ Mông tay mang ô, lưng đeo gùi, chân ngượng ngùng rẽ mây xuống chợ. Dù là vào hội hay chơi chợ, lên nương, các em cũng không chịu rời chiếc ô, bởi nó như một thứ trang sức. Đâu chỉ ban ngày, chiếc ô còn làm bạn cùng sơn nữ trong những đêm trăng sáng, xoay vòng uyển chuyển theo nhịp múa giữa réo rắt tiếng khèn, tiếng sáo gọi tình.

Vào ngày dạm ngõ, xin dâu, người làm mối cắp theo một chiếc ô, dù bất cứ lý do gì cũng không được để nó rời khỏi nách với ý nghĩa dùng để giữ hồn đôi lứa. Lúc cô dâu về nhà chồng bao giờ cũng phải có một chiếc ô che trên đầu để bảo vệ, tránh tà ma quấy nhiễu trên đường đi. Cây ô trong lễ thành hôn ấy được đôi lứa giữ gìn kỹ lưỡng, coi đó là bằng chứng về lời hẹn ước trăm năm.

Ngay cả khi ai đó từ biệt cõi đời, gia đình sẽ làm một chiếc ô bằng giấy để chôn theo với ước nguyện rằng, chiếc ô sẽ che cho linh hồn người thân vượt qua ngàn ải, vạn thác đến được cõi thần linh...