Dân Việt

KHCN khó giữ chân người tài

14/11/2012 10:01 GMT+7
(Dân Việt) - Một thực trạng được nhắc đến nhiều nhất của nền KHCN nước ta trong nhiều năm qua là tình trạng người tài được đào tạo bài bản, rời bỏ các viện nghiên cứu để ra ngoài làm, vì nguồn thu nhập ở các viện không đủ sống.

20 năm tuyển được... 2 người giỏi

Nằm trong “top” những viện hàng đầu về nông nghiệp hiện nay, câu chuyện về tuyển dụng và sử dụng người tài ở Viện Chăn nuôi quốc gia là một ví dụ điển hình về chảy máu chất xám...

img
Do cơ chế đãi ngộ thấp, nhiều người đã rời bỏ các viện nghiên cứu để ra ngoài làm với thu nhập cao hơn (ảnh minh hoạ).

Trong cuộc trò chuyện với NTNN, ông Hoàng Văn Tiệu- nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi, người đã gắn bó mấy chục năm với viện, đã tâm sự thật: “Trong suốt 20 năm qua, Viện Chăn nuôi không thể tuyển được sinh viên tốt nghiệp ra trường có bằng giỏi, bằng xuất sắc. Nếu may mắn tuyển được sinh viên có bằng khá là tốt rồi, còn lại chỉ có bằng trung bình và trung bình khá.

Thực tế, những năm qua cũng có chính sách ưu tiên tuyển người giỏi, nhưng họ vẫn không về công tác tại viện vì lương của cán bộ, nhân viên còn quá thấp. Cả 15 năm qua, từ khi lên làm lãnh đạo, tôi chỉ tuyển được 2 người có bằng giỏi, nhưng đó cũng chỉ là những người đi thi tuyển ở nơi khác không được, nên mới quay về xin vào viện”.

Ông Tiệu cũng nói thêm, ngay cả khi về viện rồi, dù có những quy định ràng buộc rất chặt chẽ với cán bộ trước khi tham gia vào các khoá đào tạo của viện nhưng sau khi học xong, một số cán bộ có trình độ ngoại ngữ tốt, họ vẫn ra đi, sẵn sàng bồi thường khoản kinh phí đào tạo để làm ở nơi có chế độ đãi ngộ tốt hơn”.

Trò chuyện với NTNN, một chuyên gia đã từng làm việc ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, nay đã chuyển sang làm cho một công ty nước ngoài cũng tâm sự: “Khi mới ra trường, mình vốn rất thích vào làm ở các viện nghiên cứu, nhưng khổ nỗi lương ở viện quá thấp, trung bình mỗi tháng chỉ được 2-3 triệu đồng, dù mình đã đi du học cả ở nước ngoài. Trong khi, nếu đi làm cho các công ty nước ngoài, thu nhập có thể lên tới 2.000-3.000USD (40-60 triệu đồng) mỗi tháng là bình thường”.

“Cởi trói” thế nào?

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành khoa học, năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 về cơ chế tự chủ trong nghiên cứu khoa học công lập. Song trên thực tế, cho đến nay, chính sách này vẫn không phát huy được hiệu quả. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có các cú huých, hoặc tạo cơ chế mạnh hơn nữa cho các viện, trung tâm nghiên cứu để có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, vừa giữ chân người tài.

Theo GS Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể thu tiền bản quyền từ phần trăm giá trị xuất khẩu để lấy nguồn vốn hỗ trợ nghiên cứu KHCN. Chẳng hạn, mỗi năm xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của nước ta đạt 20 tỷ USD. Nếu chỉ cần trích 1% cho bản quyền tác giả sẽ có 200 triệu USD hỗ trợ nghiên cứu.

Còn PGS-TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho rằng, trên thực tế việc phân bổ vốn cho các đề tài nghiên cứu khoa học vẫn còn quá ít và dàn trải nên có những công trình, các nhà khoa học bắt buộc phải cho vào ngăn kéo, đơn giản vì không tìm đâu ra kinh phí để xây dựng mô hình hoặc triển khai tiếp. Đơn cử như tại Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, số tiền ngân sách cấp cho hoạt động thường xuyên của viện không đủ, mỗi năm viện phải bù thêm khoảng 1,5 tỷ đồng.

“Để đảm bảo cuộc sống của cán bộ, nhân viên, đồng thời có kinh phí xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, chúng tôi phải dựa vào những chương trình, dự án hợp tác” - ông Châu chia sẻ.

Cũng về vấn đề này, TS Phan Xuân Hào - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô chia sẻ kinh nghiệm của viện, đó là phải “giữ chân” cán bộ nhờ thu nhập ổn định. “Ở các viện khác có tình trạng cán bộ nghiên cứu xin ra ngoài, nhưng ở viện tôi, thì chỉ có xin vào. Bởi ở viện chúng tôi luôn đảm bảo cán bộ ổn định thu nhập, thậm chí cao so với mặt bằng chung. Có được điều này là nhờ các sản phẩm nghiên cứu của viện được ứng dụng tốt trong thực tế, rồi việc bán bản quyền, chuyển nhượng quyền sử dụng những bộ giống do viện nghiên cứu” - TS Hào nói thêm.

Đãi ngộ thấp khó tuyển cán bộ giỏi

Nhìn chung cơ chế đãi ngộ cho các nhà nghiên cứu khoa học còn chưa tương xứng với trí lực của họ. Hiện nay, có rất nhiều anh em muốn xin ra khỏi viện. Bởi lương trả cho cán bộ nghiên cứu khoa học quá thấp, nên viện chưa thu hút được nhiều cán bộ giỏi, nhất là cán bộ đầu ngành”.

Tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu

“Năng lực của một viện chuyên ngành như Viện Bảo vệ thực vật, phụ thuộc vào 2 yếu tố: Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Đối với cơ sở vật chất, nếu có tiền là xong ngay; nhưng đối với nguồn nhân lực thì quá trình đào tạo phải ít nhất 10 năm mới có thành quả. Vì thế, trong quá trình phát triển, viện luôn chủ trương chú trọng đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực nhất là những lớp cán bộ trẻ kế cận. Hiện nay, đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo khá bài bản, chủ yếu ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…; một số đào tạo ở Pháp, Trung Quốc… Vì thế, họ có nhiều lợi thế cả về chuyên ngành và ngoại ngữ. Những năm qua, viện cũng có nhiều công việc, nhất là nghiên cứu dịch hại, nên cũng tạo động lực cho cán bộ nghiên cứu, từ đó đã giữ chân được nhiều người tài ở lại với viện”.