Dân Việt

Tăng “chất” cho cà phê

05/12/2012 11:27 GMT+7
(Dân Việt) - Xuất khẩu cà phê trong 11 tháng năm nay đã đạt 1,55 triệu tấn và trên 3,3 tỷ USD, tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 40,9% và 37,1%).

Dự đoán cả năm có thể đạt trên 1,6 triệu tấn và trên 3,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Lần đầu tiên, Việt Nam đã vượt qua Brazil lên đứng đầu thế giới.

Ngay cả khi đạt đỉnh cao mới về diện tích, sản lượng sản xuất, khối lượng xuất khẩu, nhưng vẫn phải quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển bền vững cây cà phê. Cần phải có cơ sở vật chất kỹ thuật về thủy lợi, chăm sóc để có năng suất cao và ổn định; cần hết sức thận trọng khi mở rộng diện tích ra các vùng có khó khăn về đất đai, khí hậu...

img
 

Cần tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cà phê để tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích và trên 1 tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, cần giảm mạnh hơn nữa tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Muốn vậy phải có thêm các cơ sở chế biến hiện đại để: tăng mạnh giá trị sản phẩm; giúp cho việc dự trữ tập trung, trong thời gian dài, bảo đảm chất lượng theo quy trình công nghệ công nghiệp.

Khâu tiêu thụ hiện nay cần quan tâm trên hai mặt. Một mặt, từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường đã có sự tham gia của nhiều đại gia cà phê nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chiếm tới 60% thị phần cà phê của Việt Nam. Khu vực này có lợi thế về lượng vốn, về lãi suất thấp, về tiêu thụ nhờ các công ty mẹ ở nước ngoài.

Sự tham gia mua của các nhà đầu tư nước ngoài làm cho tính cạnh tranh cao hơn, duy trì được mức giá tốt hơn, có lợi cho người trồng cà phê. Tuy nhiên, cần tính tới những hiệu ứng phụ của nó để tránh cho các doanh nghiệp trong nước thua trên sân nhà. Số đầu mối xuất khẩu cà phê ở trong nước từ 120, nhưng nay chỉ còn vài chục đầu mối.

Không thể phó thác cho các đại gia nước ngoài thao túng thị trường, bởi nếu việc thao túng tăng/giảm đột ngột về lượng và giá sẽ vừa làm cho doanh nghiệp nội địa bị thu hẹp, vừa làm khó dễ cho nông dân dễ tái diễn tình trạng “trồng, chặt” và ảnh hưởng đến tương lai chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao hơn.