Dân Việt

Giá gà tăng, người nuôi vẫn không hưởng lợi

25/03/2011 17:02 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn tuần qua, giá gà ở khu vực TP.HCM và miền Đông Nam Bộ liên tục tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg/ngày.

Hiện gà công nghiệp còn sống bắt tại chuồng đã lên đến 35.000 – 36.000 đồng/kg, tăng hơn tuần trước 8.000 – 9.000 đồng/kg. Thế nhưng người dân đã hết hàng để bán.

Theo ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Công ty Phú An Sinh, nguyên nhân giá gà tăng là do nguồn cung khan hiếm nhưng người dân lại không gây chuồng nuôi lại, đã đẩy giá lên mỗi ngày.

img
Dây chuyền chế biến gà tại Công ty Phú An Sinh.

“Trước đó khoảng một tháng, giá gà công nghiệp giảm chỉ còn khoảng 20.000 – 21.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cám cùng các chi phí đầu vào khác như thuốc thú y, con giống, điện, nước… đều tăng lên từ 20 - 25%, đã đẩy giá thành nuôi gà lên đến 26.000 đồng/kg, khiến chúng tôi lỗ nặng phải bán đổ bán tháo hết. Giờ giá gà lên chỉ biết đứng mà nhìn” – bà Đỗ Kim Hoa, một hộ chăn nuôi gà ở xã An Sơn huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Tương tự, ông Sáu Mỹ ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng buồn bã cho biết tháng trước ông vừa bán 3.000 con gà công nghiệp với giá 21.000 đồng/kg. Với giá này ông lỗ từ 12.000 – 17.000 đồng/con (mỗi con gà nặng từ 2,5 – 3,5 kg). Vị chi cả đàn gà ông lỗ mất trên 40 triệu đồng.

“Cả xóm tôi ai cũng bán hết gà. Bán hết rồi giờ giá lên mỗi ngày chỉ biết nhìn mà tức. Tức vì tôi biết giữ lại giá sẽ lên nhưng lúc đó giá cám lên ghê quá, giữ lại mỗi ngày phải mất hơn triệu đồng tiền cám cho gà ăn. Chúng tôi chịu không nổi nên đành phải bán đi. Giờ “cụt” vốn, lấy tiền đâu nuôi lại?” – ông Sáu than thở.

Khoảng 2 năm nay, người nuôi gà ở khu vực này hầu như lúc nào cũng lỗ. Ông Trần Văn Nhân, ở thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, Bình Dương, nhẩm tính: “Tết năm 2010 lỗ trên 20 triệu đồng, giữa năm lỗ thêm 30 triệu đồng, cuối năm lỗ nặng nhất, mất 45 triệu đồng. Tính cả năm gần 100 triệu đồng. Qua năm 2011 tiếp tục vay tiền gây lại chuồng, giờ lỗ mất gần 50 triệu đồng nữa. Đây là nghề gia truyền nên tôi mới cố như thế nhưng càng nuôi càng lỗ, đến giờ sạt nghiệp, nhà cửa cũng đều đã cầm cố ngân hàng nên chắc tôi bỏ nghề quá”.

Theo các chuyên gia, đó chỉ là mới tính với giá thành hiện tại, trong khi mọi người đều dự đoán rằng giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới nên giá bình ổn cũng sẽ còn điều chỉnh theo (theo nguyên tắc giá thị trường biến động hơn 15% là doanh nghiệp được phép điều chỉnh). Nếu để giá tăng như thế sẽ làm biến động thị trường lớn (vì heo, bò cũng gặp tình trạng tương tự).

Chính vì thế, để có thể bình ổn được thị trường thì phải bình ổn được giá thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng UBND TP.HCM đã nhiều lần tổ chức họp các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước để bàn về vấn đề này mà chưa có kết quả vì ngành thức ăn chăn nuôi phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu.

“Đây là bài toán mà UBND thành phố và chúng tôi đang rất đau đầu chưa tìm ra được lời giải” – ông Minh lo lắng.