Dân Việt

Huyện Đông Triều: Triển khai OCOP đến các chủ trang trại

Phạm Minh Tuấn 15/03/2014 17:39 GMT+7
Ngày 13.3, Ban điều hành Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP) huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” huyện Đông Triều giai đoạn 2013-2016.
Dự hội nghị có ông Ngô Tất Thắng - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban điều hành OCOP tỉnh Quảng Ninh cùng đơn vị tư vấn của chương trình. Về phía huyện Đông Triều có ông Ngô Thành Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban điều hành OCOP huyện cùng và trên 250 đại biểu là bí thư, chủ tịch, trưởng thôn của 21 xã, thị trấn, các doanh nghiệp, chủ nhiệm HTX, chủ trang trại trên địa bàn huyện tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được Phó Giáo sư- tiến sĩ Trần Văn Ơn (Đại học Dược Hà Nội) - chuyên gia tư vấn của chương trình giới thiệu tổng thể, các bước triển khai, mục đích của Chương trình OCOP và chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trong khu vực đã và đang triển khai thực hiện. Theo đó quá trình triển khai Chương trình OCOP sẽ trải qua 6 bước chính gồm: Đăng ký ý tưởng, sản phẩm từ cộng đồng dân cư; nộp kế hoạch sản xuất kinh doanh; kế hoạch sản xuất kinh doanh được chọn và hoàn thiện; triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh; tổ chức thi sản phẩm; xúc tiến thương mại, bán hàng.

Cũng tại đây, ông Trần Văn Lập - Phó Trưởng ban thường trực OCOP huyện Đông Triều đã công bố quyết định thành lập Ban điều hành OCOP huyện Đông Triều và kế hoạch triển khai Chương trình “Mỗi, xã phường một sản phẩm huyện Đông Triều” giai đoạn 2013-2016.

Trước đó, tại Hội thảo về Chương trình OCOP ở Quảng Ninh (tổ chức vào ngày 18.2.2014), ông Vũ Văn Học- Chủ tịch UBND huyện Đông Triều tin tưởng Chương trình OCOP đã mở ra hướng đi mới cho địa phương này.

“Những năm qua, huyện Đông Triều đã ban hành nghị quyết, cơ chế chính sách phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Mặc dù có lượng sản vật địa phương khá phong phú, nhưng vấn đề bất cập chủ yếu với các sản phẩm truyền thống tại các cộng đồng trên địa bàn tỉnh là chưa thương mại hoá được và khó tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa biết cách tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, khả năng sáng tạo còn thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng... Do đó hội thảo về OCOP có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, mở ra những hướng đi mới cho các ngành nghề, các sản phẩm đặc trưng của Đông Triều theo hướng phát triển chiều sâu” - ông Vũ Văn Học chia sẻ.