Dân Việt

Phải đổi cách sản xuất kinh doanh lúa gạo

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng gạo thế giới có sự thay đổi rõ rệt, gạo chất lượng cao được ưa chuộng, nếu muốn đầu ra hạt gạo ổn định thì nhất thiết sản xuất gạo của Việt Nam cần phải thay đổi…
Lấy người dùng làm thước đo

L.T.S: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp nhất thế giới nhưng rất khó bán. Hàng triệu nông dân không thể an tâm sống ổn định bằng nghề trồng lúa. Trong cụm chuyên trang Nông sản & nông dân kỳ này, chúng tôi cố gắng nêu rõ hiện trạng, đề cập các khía cạnh khác nhau của chuỗi giá trị hạt gạo, gợi ý chính sách, cách làm nhằm nâng cao giá trị ngành sản xuất này.

Hạt gạo Việt Nam tham gia thị trường thế giới đã hơn 20 năm. Tuy nhiên, TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp lại cho rằng, nhiều năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ theo kiểu “đánh đồng vào nhau để bán” chứ chúng ta chưa tìm hiểu xem nhu cầu thị trường nước ngoài, thị trường của riêng từng vùng thích sử dụng loại tiêu chuẩn nào để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Ngay cả trong nước với dân số hơn 90 triệu dân, nhu cầu sử dụng gạo đã thay đổi rất lớn trong bữa ăn gia đình, gạo chất lượng thấp dần bị loại bỏ nhưng trong cơ cấu sản xuất, chúng ta vẫn dành phần lớn diện tích trồng lúa loại này.

Nông dân đang đối mặt vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá. Ảnh: Ngọc Tùng
Nông dân đang đối mặt vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá. Ảnh: Ngọc Tùng

Ba năm trước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng nhìn ra được cần phải thay đổi cơ cấu giống lúa, hướng đến sản xuất lúa thơm, lúa nếp, lúa chất lượng cao bằng mục tiêu đến năm 2015 phải xuất khẩu 1 triệu tấn gạo loại này. Kế hoạch này đạt sớm hơn hai năm. Đến năm 2013, doanh nghiệp xuất 1 triệu tấn gạo thơm các loại, đạt gần 700 triệu USD, giá bán cao gần gấp đôi gạo thường. Không cần tìm ở đâu cho xa, nếu chúng ta có chính sách sản xuất tốt, cộng với chiến lược tiếp thị bài bản thì những thị trường lân cận như Hong Kong, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có thể bán được tới hàng triệu tấn gạo thơm mỗi năm chứ không ít. Năm ngoái, lượng gạo thơm xuất vào thị trường Hong Kong chiếm 42%, giá bán trung bình 625 - 700 USD/tấn trong khi gạo thường chỉ dừng lại ở trên dưới 400 USD.

Trong một phát biểu hồi giữa năm ngoái khi có chuyến làm việc với VFA, ông Kenneth Chan, Chủ tịch Hiệp hội Các thương nhân kinh doanh gạo Hong Kong, nhìn nhận “giá gạo thơm Việt Nam hấp dẫn hơn gạo Thái Lan”. Đây là vấn đề quan trọng, và ông hứa sẽ đổi hướng tìm kiếm nguồn cung sang Việt Nam nhiều hơn nữa.

Theo chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích, thế giới cần mỗi năm khoảng 7 - 8 triệu tấn gạo thơm nhưng Việt Nam, chưa bao giờ là nước “có tên trong danh sách có nguồn gạo thơm cung cấp ra thế giới”. Theo ông, cần chú trọng đến chất lượng nhằm nâng giá trị hạt gạo lên.

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cũng nhiều lần lên tiếng phàn nàn về chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông, nhà xuất khẩu phải tham gia xây dựng vùng nguyên liệu mới có thể kiểm soát chất lượng và lo đời sống cho nông dân. “Tôi theo dõi nhiều năm về vấn đề nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu của gạo Việt Nam là không lớn lắm. Chúng ta chỉ bị thiệt là chưa có thương hiệu gạo chất lượng và chúng tôi đang cố gắng để làm điều này”, ông Bửu nhấn mạnh.

Bán gạo có tên, có tuổi

Giữa năm ngoái, trong chuyến đi khảo sát thực tế thị trường Mỹ, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA không khỏi bất ngờ khi nhận được nhiều thắc mắc từ cộng đồng người Việt ở bang California, rằng họ không thể tìm được gạo thương hiệu Việt để mua. Trong khi đó, khi đi vào một số siêu thị ông thấy có bán khá nhiều loại gạo như Khawdakmali, Basmati của Thái Lan và Ấn Độ.

Việt Nam tham gia thị trường gạo thế giới hơn 20 năm, nhưng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ được bán dưới dạng hàng xá với tên gọi không liên quan gì đến thương hiệu, đó là gạo: 5% tấm, 10% tấm, 15% tấm hoặc 25% tấm. Câu chuyện về thương hiệu gạo, phải bắt đầu từ giống lúa.

Theo TS Đặng Kim Sơn, thời gian gần đây, công tác nghiên cứu giống lúa đang đi xuống. Chúng ta đang có hàng chục bộ giống lúa thơm, chất lượng như dòng ST, OM, nàng thơm Chợ Đào… nhưng đây chỉ là loại giống ngắn ngày, trồng vài ba vụ là thoái hoá, không thể sản xuất quy mô hàng hoá lớn.

Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu trong công tác lai tạo ra giống lúa chất lượng. Nhưng thực tế, cũng như các viện, trường khác, ở đây, theo ông Bùi Chí Bửu, mỗi năm nhận được rất ít kinh phí cho đầu tư nghiên cứu khoa học.

Riêng về đầu tư nghiên cứu cho cây lúa, GS.TS Bùi Chí Bửu đã từng phàn nàn với người viết là chỉ có tròn… 10 tỷ đồng mỗi năm. So với một số nước trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan mỗi năm họ dành ra 11 triệu USD, Đài Loan 120 triệu USD, viện Lúa quốc tế 80 triệu USD, chương trình lúa lai của Trung Quốc cũng ngốn hết 50 triệu USD, hay một nước nghèo như Philippines cũng chi 7 triệu USD cho nghiên cứu lai tạo giống lúa… thì số tiền của Việt Nam quả thật là chẳng bõ bèn gì.

Ở Việt Nam, nếu tính trên diện tích 1ha đất nông nghiệp, các nhà khoa học ước lượng Nhà nước đang dành kinh phí đầu tư nghiên cứu khoa học khoảng 6 USD. So với một số nước lân cận, như Hàn Quốc gấp 100 lần, Thái Lan gấp 10 lần, Philippines là 7 lần. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có đặt hàng nhà khoa học, các viện, trường… lai tạo giống lúa có thể làm thương hiệu gạo quốc gia, nhưng không nơi nào làm được. Do đó, ông kết luận: Chúng ta cũng có nhiều giống chất lượng tốt, nhưng lại không bảo tồn được nguồn gene gốc nên thành ra cứ sản xuất vài ba vụ là bị thoái hoá.

Cần phải nghiêm túc gạt bỏ thành tích chạy theo số lượng xuất khẩu gạo để hướng tới tái cấu trúc lại toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị, là vấn đề cấp thiết trong lúc này. Thay đổi chiến lược kinh doanh gạo, không thể sử dụng các biện pháp nhất thời cho từng vụ mà phải có định hướng lâu dài. Trước mắt, thực hiện theo từng giai đoạn theo hướng quy hoạch, tổ chức lại sản xuất từ cánh đồng nhỏ sang cánh đồng lớn bằng hình thức liên kết; thay đổi bộ giống lúa chất lượng, cơ giới hoá sản xuất, chế biến và cuối cùng là xây dựng thương hiệu. Các nhà khoa học phải lai tạo ra bộ giống lúa mang đặc trưng riêng của Việt Nam, sau đó tổ chức lại sản xuất bằng cách quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất một vài loại giống có kiểm soát chứ không thể làm hàng chục loại như hiện nay.


Giám sát, kiểm tra việc thương nhân nước ngoài mua nông sản


Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các sở công thương yêu cầu giám sát, kiểm tra... việc thương nhân nước ngoài vào Việt Nam thu mua nông sản, lâm sản, thuỷ sản, kể cả những loại khác lạ như đỉa, lá khoai...

Để ngăn chặn, bộ yêu cầu sở công thương báo cáo UBND các tỉnh, thành phố, đồng thời thực hiện quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động này. Bên cạnh đó là phổ biến các quy định của pháp luật về mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cho người dân.


Trên thực tế, thương nhân nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc.

P.V