Tại Việt Nam, ông có một lịch trình làm việc dày đặc, để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của ông về quản lý kinh tế và thúc đẩy hợp tác giáo dục, hướng đến tương lai.
Sáng 15.11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Giáo sư Roger Myerson. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, một trong những giải pháp đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là Việt Nam coi trọng giáo dục-đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu. Thủ tướng cũng hi vọng, với những kinh nghiệm và sự đóng góp thiết thực của giáo sư Roger Myerson sẽ giúp Việt Nam phát triển nền giáo dục.
Giáo sư Roger Myerson đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2007. |
Giáo sư Roger Myerson cho rằng chủ trương coi trọng phát triển giáo dục-đào tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, coi giáo dục-đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu là chủ trương hết sức đúng đắn mà Việt Nam đã lựa chọn; khẳng định sẽ nỗ lực hết mình đóng góp vào thúc đẩy quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ.
Chiều cùng ngày, ông có cuộc nói chuyện với hàng trăm sinh viên trường Đại học Ngoại thương về chủ đề “Cơ chế lãnh đạo, nền dân chủ và chính quyền địa phương”.
Ngày mai 16.11, ông sẽ có cuộc gặp tại Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyến thăm và làm việc của giáo sư Roger Myerson đã mở đầu cho chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á. Chuyến thăm được tổ chức bởi Quỹ Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại thủ đô Vienna (Áo) và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Chuỗi sự kiện có sự tham gia của các diễn giả đoạt giải Nobel trong lĩnh vực Kinh tế, Vật lý, Hóa học và Y học. Tham gia sự kiện còn có Giáo sư Romano Prodi, nguyên Thủ tướng Italia và nguyên Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và giáo sư Ngô Bảo Châu, người đoạt giải thưởng Fields năm 2010.
Đăng Thúy