Dân Việt

Rừng thiêng của người Hà Nhì

Lê San 19/02/2014 06:52 GMT+7
Tín ngưỡng thờ thần rừng của người Hà Nhì như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi bản làng người Hà Nhì đều có một khu rừng cấm riêng được dân bản giữ gìn và thờ cúng thần rừng.
Lễ hội cúng rừng

Người Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) có rất nhiều lễ, tết diễn ra trong năm, nhưng tưng bừng, nhộn nhịp hơn cả vẫn là lễ Cấm bản (Gạ ma thú). Ông Pờ Gò Tư - Bí thư Chi bộ bản Mé Gióng cũng không nhớ được tục cúng bản có khi nào, chỉ biết rằng ngày đầu tiên (ngày con hổ), dân bản sẽ cúng thần rừng, thần núi tại khu rừng cấm của bản.

“Tục cúng rừng này của người Hà Nhì xuất phát từ lòng biết ơn những gì rừng đem lại cho cuộc sống con người. Người Hà Nhì quan niệm, mỗi khu rừng đều có một vị thần, và vị thần đó mang lại no ấm cho mỗi bản làng cho nên vận mệnh của dân làng có liên hệ mật thiết đối với sự tồn vong của khu rừng ấy” - ông Tư kể.

Thầy cúng khấn nhờ thần rừng bảo vệ mùa màng, sức khoẻ của dân bản.
Thầy cúng khấn nhờ thần rừng bảo vệ mùa màng, sức khoẻ của dân bản.

Từ sáng sớm tinh mơ, những người chủ hộ gia đình đã tập trung mang lợn, xôi, gà đi đến khu rừng cấm của thôn. Những đồ lễ cúng do mỗi gia đình trong thôn đóng góp. Đến gần khu vực miếu thờ, không ai bảo ai lần lượt tự giác bỏ giày dép, đi chân trần để tỏ lòng tôn kính đối với thần rừng. Trước khi tiến hành nghi thức, đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng. Thầy cúng thắp 5 nén hương, sau đó mời các vị thần linh về dự lễ cúng của dân làng và bắt đầu khấn: “Hôm nay là ngày cúng bản, cúng rừng, chúng tôi mong muốn sao cho một năm mới được mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi thì phát triển, sức khoẻ của bà con nhân dân trong bản được đảm bảo”.

Ông Chu Thanh Xe - Trưởng bản Mé Gióng bảo: “Trong lễ cúng, dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè có một phong tục độc đáo từ lâu đời là xem bói bằng gan lợn. Qua hình dạng gan lợn, thầy cúng xem điềm báo năm mới tốt hay xấu. Sau khi cúng xong, dân bản chia mỗi gia đình ít thịt về làm lễ tại gia, do người phụ nữ chịu trách nhiệm cúng và hưởng lễ. Trai tráng, đàn ông thì ở lại khu rừng già ăn uống, chúc tụng nhau sang năm mới đi nương, đi rừng được các vị thần phù hộ, săn bắn được nhiều thú.

Điều đặc biệt của lễ hội cúng rừng này là ngoài việc cúng thần linh còn được xem như là một cuộc họp đầu năm của cả bản, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong bản. Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm, tình hình phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, an ninh trật tự thôn bản đều được đem ra bàn bạc. Cũng tại đây, bà con đã cam kết với nhau bảo vệ rừng, cam kết không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, không săn bắt động vật hoang dã và không đốt nương làm rẫy.

Đưa bảo vệ rừng vào hương ước

Ông Chu Thanh Xe cho biết: “Từ thế hệ này đến thế hệ khác, khu rừng cấm nguyên sinh vẫn là một nơi bất khả xâm phạm. Khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Cấm không ai được vào chặt cây hay lấy một cái gì, kể cả cây đổ, củi khô và làm ô uế rừng”.

"Người Hà Nhì chúng tôi coi rừng như báu vật. Rừng mang lại nhiều nguồn lợi để nuôi sống gia đình, cho con cái được học hành và những điều may mắn”.
Ông Pờ Pó Chừ

Bảo vệ rừng được đưa vào trong hương ước của thôn, ai phạm vào điều cấm đó thì bị phạt nặng tùy theo mức độ vi phạm. Gia đình nào muốn xin gỗ về dựng nhà, làm vật dụng sinh hoạt đều phải trình bày bằng văn bản với kiểm lâm viên của thôn. Kiểm lâm viên có trách nhiệm báo cáo già làng, trưởng bản, nếu những người này thống nhất đồng ý và kiểm lâm viên ký duyệt vào đơn thì gia đình đó mới được vào rừng khai thác, bảo đảm đúng số lượng, chủng loại và sử dụng đúng mục đích. Nếu sai phạm, hộ dân đó sẽ bị cấm vĩnh viễn không được vào rừng khai thác nữa.

Ông Pờ Pó Chừ - Chủ tịch xã Ka Lăng cho hay: “Toàn xã hiện có gần 200ha cây thảo quả và 8.743,6ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ. Nhiều gia đình mỗi năm thu từ 2 -3 tấn quả, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài lợi ích từ cây thảo quả, bà con còn được hưởng lợi từ tiền khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ với mỗi hécta được 200.000 đồng/khẩu/năm”.